29/10/2011 - 21:06

Truyền hình thực tế đang lấy đi đời thực?

Bùng nổ từ những năm 1970, truyền hình thực tế (Reality Tivi Show) được xem là cứu tinh của ngành công nghiệp truyền hình Mỹ. Trong 10 năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế luôn chiếm từ 5-7 vị trí trong top 10 chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất nước Mỹ. Nhiều chương trình có hơn 150 phiên bản ở khắp địa cầu thông qua bán bản quyền. Tuy nhiên, truyền hình thực tế cũng đang là mối quan ngại lớn với các nhà xã hội học khi ngày càng có nhiều người đắm chìm vào đây hơn là để tâm đến cuộc sống thực...

Các diễn viên của truyền hình thực tế “Glee” bước ra đời thực biểu diễn tại Arizona, một điểm dừng trong đợt lưu diễn vòng quanh nước Mỹ. Ảnh: fanpop.com 

So với sản xuất một bộ phim truyền hình, chi phí đầu tư truyền hình thực tế thấp hơn nhiều bởi khán giả không yêu cầu phải có một câu chuyện đầy kịch tính với diễn viên ngôi sao hay bối cảnh hoành tráng. Nhà sản xuất truyền hình thực tế chỉ cần mở ra một cuộc thi, hay tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt rồi để những diễn viên hoặc người chơi thể hiện tính cách, khả năng xoay xở trong những tình huống gần gũi với đời thực.

Chi phí thấp nhưng truyền hình thực tế hấp dẫn bởi nó tạo cho khán giả cảm giác đang xem một câu chuyện thực và khán giả cũng được trực tiếp tham gia bằng cách bình chọn nhân vật nào được tiếp tục xuất hiện hay nhân vật nào bị loại bỏ. Về nội dung, truyền hình thực tế có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Có những chương trình tạo môi trường sống đặc biệt như “The Real World”, “1900 House”, “Temptation Island”, “Moderm Family”, “Just the Two Of Us”... để những người tham gia thể hiện trách nhiệm, tình yêu, tình bạn, tình thân và sự hi sinh trong những hoàn cảnh khá éo le. Còn có các chương trình “quay lén” với nhân vật chính là người nổi tiếng như “Anna Nicole”, “The Osbournes”, “Newlyweds: Nick và Jessica và Hogan Knows Best”... Một thể loại khác hiện đang phổ biến là người chơi được ghi hình khi đang cạnh tranh giành vị trí quán quân trong một cuộc thi. Thi ca hát nhảy múa có “American Idol”, “The X-Factor”, “Got to Dance”; đọ nhan sắc có “American Next Top Model”; thi tài nấu nướng có “Masterchef”, “Hell’s Kichen”... Gần đây, truyền hình thực tế còn kết hợp giữa truyền hình, âm nhạc và công nghệ số khi cho ra đời “Glee”, chương trình kể về hoaạt động của một dàn hợp xướng trung học, hằng tuần thể hiện các ca khúc bất hủ của các nghệ sĩ cổ điển lẫn hiện đại. Nhạc trong “Glee” được bán trên iTunes, đi kèm những live show xuyên quốc gia.

Lợi nhuận khổng lồ, lượng người xem tăng vọt khiến nhiều hãng truyền hình lớn lập hẳn kênh riêng để phát sóng chiếu các chương trình truyền hình thực tế như Zone Reality (Anh) và Fox Reality (Mỹ). Các hãng truyền hình NBC, CBS, ABC, Fox... vốn đang sản xuất từ 3 đến 4 chương trình truyền hình thực tế mỗi năm để phát sóng trên MTV, Bravo.

Tuy nhiên, với nhiều nhà xã hội học, truyền hình thực tế đang là một trong những “kẻ tội đồ” tạo ra lối sống thụ động, hưởng thụ và coi trọng vật chất của giới trẻ, nhất là nữ giới. Theo hãng tin AFP, kết quả thăm dò xã hội học về tác động của truyền hình thực tế cho thấy giới trẻ xem các diễn viên, người mẫu, ca sĩ trong các chương trình truyền hình thực tế là những người hướng dẫn cuộc sống. Hầu hết khán giả trong độ tuổi mới lớn đều tin rằng truyền hình thực tế là đời thực và đáng tin cậy vì nó không có kịch bản, trong khi thực ra tất cả các chương trình đều có kịch bản được ngụy trang khéo léo nhằm thỏa mãn nhu cầu “cười trên nỗi đau khổ của người khác” thông qua những tình huống khó xử, éo le của nhân vật. Những người tham gia cuộc thăm dò còn cho biết họ dành khoảng 12 giờ mỗi ngày để xem các chương trình truyền hình thực tế, gấp nhiều lần thời gian làm bài tập và trò chuyện với người thân, bạn bè. Hãng AFP dẫn lời một chuyên gia cho biết đang ngày càng có nhiều người trẻ thích sống cô lập với thế giới bên ngoài để nhìn cách người ta “sống” trên truyền hình và ít ai nhận ra những chương trình thực tế chỉ đang cướp đi những điều thực tế xung quanh họ. Bên cạnh đó, có 70% người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ mong muốn được tham gia truyền hình thực tế, vì nếu xuất hiện và chiến thắng trong những chương trình này, cũng đồng nghĩa sẽ được nổi tiếng và hàng triệu đô-la chảy vào túi.

Tuy có nhiều ý kiến trái ngược từ các nhà xã hội học, nhưng truyền hình thực tế sẽ không chết khi xã hội hiện đại vẫn phát triển lối sống hưởng thụ.

XUÂN VIÊN (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết