11/05/2023 - 00:13

Trung Quốc tố Úc gây căng thẳng Tây Thái Bình Dương 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Trong chỉ trích gần đây, giới ngoại giao cấp cao Trung Quốc cáo buộc Úc và những đồng minh như Mỹ, New Zealand đang tìm cách phá hoại các mối quan hệ của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, dẫn tới gia tăng căng thẳng địa chính trị khu vực.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) gặp người đồng cấp Fiji Rabuka hồi tháng 3-2023.

Phát biểu với tờ Samoa Observer, đặc phái viên Trung Quốc về đối ngoại ở các quốc đảo Thái Bình Dương, Tiền Ba nói rằng Úc, Mỹ và New Zealand hành động dưới sự mù quáng của “định kiến ý thức hệ” và “tâm lý chiến tranh lạnh”. Ông Tiền cho rằng những nước này luôn tìm cách phá vỡ các mối quan hệ của Bắc Kinh ở khu vực, đơn cử như vụ việc liên quan Fiji những tháng gần đây.

Theo đó, Chính phủ của Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka hồi tháng 1 đã đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận hợp tác an ninh do chính quyền tiền nhiệm ký với Trung Quốc vì lý do “khác biệt về thể chế dân chủ, chính trị và tư pháp”. Mọi hoạt động hợp tác, đào tạo và huấn luyện cảnh sát đang triển khai với Bộ Công an Trung Quốc đều bị đình chỉ. Nhân viên an ninh nhà nước Trung Quốc cũng không được phép tiếp tục làm việc ở Fiji. Mặt khác, thông báo từ chính quyền Thủ tướng Rabuka cho biết Fiji sẽ quay trở lại hợp tác với những quốc gia truyền thống và có hệ thống tương tự như Úc và New Zealand.

Ðánh giá động thái trên, giới phân tích nhận định Fiji có vai trò chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ, Úc và đồng minh với Trung Quốc tại khu vực. Nên việc họ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận an ninh với Trung Quốc sau khi ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Úc đã cho thấy thái độ rõ ràng của nước này trong việc “chọn bên”. Trước đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và Suva cũng đã nguội lạnh sau khi Thủ tướng Rabuka đảo ngược quyết định hạ cấp tư cách phái bộ ngoại giao Ðài Loan tại Fiji của chính quyền tiền nhiệm; đồng thời cho phép phái bộ khôi phục tên Cộng hòa Trung Hoa. Hồi tháng rồi, ông Rabuka còn gây tranh cãi khi bỏ qua cuộc gặp dự kiến với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc với lý do công việc gia đình.

Phản ứng trước động thái của Fiji, đặc phái viên Tiền Ba nói rằng Trung Quốc không tìm cách phá hoại ngoại giao giữa Suva và những bên khác. Nhưng ngược lại, Bắc Kinh lại là “mục tiêu” của Úc, Mỹ cùng New Zealand khi các nước này làm suy yếu quan hệ hợp tác về an ninh và thực thi pháp luật của Trung Quốc với Fiji.

Mỹ đẩy mạnh tiếp cận Thái Bình Dương

Trong nỗ lực tăng cường hiện diện ở khu vực nhằm đối phó Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9-5 cho biết nước này chính thức mở đại sứ quán ở Tonga. Theo phát ngôn viên Matthew Miller, cơ quan ngoại giao mới cho phép Washington điều động thêm nhân viên ngoại giao và các nguồn lực, bao gồm khả năng bổ nhiệm đại sứ thường trú tại Tonga.

Thông báo được đưa ra sau khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Papua New Guinea sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản trong tháng này. Là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ công du quốc đảo Tây Thái Bình Dương, sự hiện diện của ông Biden nhấn mạnh nỗ lực của Washington thúc đẩy cam kết với các đối tác ở khu vực trong bối cảnh có nhiều quan ngại xung quanh hiệp ước an ninh mà Trung Quốc ký với Quần đảo Solomon vào năm ngoái.

Ðể duy trì cân bằng, Washington hồi tháng 2 đã mở lại đại sứ quán tại Quần đảo Solomon sau 30 năm vắng bóng. Tuần rồi, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ðông Á Daniel Kritenbrink cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang thảo luận với Vanuatu và Kiribati về việc mở đại sứ quán mới. Mỹ cũng đang làm việc để gia hạn các thỏa thuận với Quần đảo Marshall, Palau và Liên bang Micronesia, trong đó Washington chịu trách nhiệm bảo vệ các quần đảo trên để đổi lấy sự tiếp cận độc quyền tới những vùng rộng lớn ở Thái Bình Dương.

Chia sẻ bài viết