10/09/2017 - 22:10

Trung Quốc tham vọng xây gần 300 thành phố sinh thái 

Trong nỗ lực nhằm tự khẳng định vai trò hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng xanh, Trung Quốc, nơi “nổi tiếng” vì ô nhiễm môi trường, đang có kế hoạch xây dựng 285 thành phố sinh thái trên khắp cả nước.

Mô hình thành phố sinh thái Thiên Tân của Trung Quốc. Ảnh: Pinterest

Như vậy, với kế hoạch này, 80% thành phố cấp quận ở Trung Quốc sẽ có ít nhất một dự án thành phố sinh thái – khu đô thị mới được thiết kế theo cách thức khép kín nhằm mục đích ít gây nguy hại đối với môi trường so với tiêu chuẩn đô thị mà Trung Quốc ban hành trước đó.

Về cơ bản, các thành phố sinh thái này sẽ gắn kết con người với thiên nhiên, ít gây ô nhiễm, sử dụng ít tài nguyên, thải ra lượng carbon thấp hơn, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, có nhiều tòa nhà tiết kiệm năng lượng, được thiết kế dành riêng cho các phương tiện giao thông thải ra lượng carbon thấp và được coi là hình mẫu cho môi trường sống của con người trong tương lai.

Theo kế hoạch, tất cả các tòa nhà trong thành phố sinh thái sẽ được xây dựng theo LEED - hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh.

Vì sao Trung Quốc xây dựng thành phố sinh thái?

Tại một quốc gia nơi mà khói bụi giết chết hàng triệu người trong khi các quy định về môi trường rất khó được thực thi, kế hoạch nói trên của Trung Quốc được đưa ra nhằm giúp chính phủ nước này giảm thiểu ô nhiễm và đưa Trung Quốc trở thành “ông trùm” năng lượng xanh trên thế giới.

Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc xây dựng thành phố sinh thái vì nhiều lý do. Đây là đất nước có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử.

Từ khi lập quốc năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã tạo ra hơn 600 thành phố mới. Chỉ riêng trong 3 thập niên gần đây, số lượng người Trung Quốc trở thành “thị dân” nhiều hơn cả toàn bộ dân số của Mỹ.

Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến sẽ có hơn một tỉ cư dân đô thị. Tuy nhiên, tình trạng công nghiệp hóa và đô thị hóa tràn lan đã khiến Trung Quốc bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng khi mà 50% lượng nước uống tại đây không đạt tiêu chuẩn quốc tế, hơn 40% diện tích đất canh tác bị nhiễm kim loại nặng cùng nhiều chất độc khác, và 90% thành phố của nước này phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí, vốn gây ra khoảng 1,6 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Hiện Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng nước ngầm đang dần cạn kiệt, các hồ và sông lớn khô cằn trong khi những vùng đất ngập nước ven biển đang dần bị “xóa sổ”.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng thành phố sinh thái của Trung Quốc đang vướng phải nhiều nghi ngờ.

“Ở phương Tây, các thành phố sinh thái luôn hướng đến thiên nhiên, như giảm lượng carbon, hạn chế ô tô, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, trong khi các thành phố sinh thái ở Trung Quốc lại hướng về con người, tăng trưởng kinh tế...” – Austin Williams, giáo sư kiến ​​trúc tại Đại học Giao thông Tây An-Liverpool ở thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô), nhận định.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết