26/02/2020 - 19:38

Trung Quốc tạo ảnh hưởng ở châu Âu thông qua trường đại học 

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng các trường đại học ở Trung Âu và Đông Âu (CEE) không thể dễ dàng nhận thấy. Song, không ít ví dụ cho thấy Bắc Kinh muốn tạo ảnh hưởng tại khu vực thông qua các cơ sở giáo dục.

Đại học Tự do Berlin, nơi xảy ra vụ xì-căng-đan giao kèo giáo dục với Trung Quốc. Ảnh: FU

Dưới “ô dù” diễn đàn hợp tác 17+1

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện Trung tâm Nghiên cứu Cộng hòa Czech-Trung Quốc được thành lập tại Đại học Charles danh tiếng. Trung tâm vốn ngừng hoạt động sau khi bị truyền thông phanh phui này từng tổ chức các hội nghị thường niên về Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc đồng tài trợ. Theo tờ The Diplomat, một nửa diễn giả diễn thuyết tại các hội nghị do Đại sứ quán Trung Quốc “đài thọ” và các chủ đề được trình bày tại hội nghị thể hiện lập trường thân thiện với Bắc Kinh. Các chuyên gia người Czech tại trung tâm cũng bí mật nhận tiền để giảng dạy khóa học về sáng kiến “Vành đai, Con đường” và chọn ra những sinh viên có triển vọng để đưa đến Trung Quốc theo chương trình Nhịp cầu tương lai - kế hoạch nhằm đưa giới trẻ từ các nước CEE và Trung Quốc xích lại gần nhau.

Viện Trung Quốc-CEE được thành lập ở thủ đô Budapest của Hungary là một ví dụ khác về việc Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào lĩnh vực giáo dục. “Sản phẩm” của viện này gồm các bài báo, các nghiên cứu về Trung Quốc, trong đó kết quả nghiên cứu được cho là phải được dịch sang tiếng Hoa, khiến nơi đây trở thành công cụ tuyên truyền trực tiếp của Trung Quốc tại địa phương, thậm chí là khu vực.

Tuy nhiên, các nước CEE đến nay chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào trong khi các trường đại học dường như không nhận thấy những rủi ro liên quan đến việc hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc, có lẽ là do phạm vi và ảnh hưởng của Trung Quốc trong giáo dục chỉ ở mức hạn chế. Cho đến nay, các trường đại học và sinh viên Trung Quốc nói chung vẫn được coi là điển hình về quốc tế hóa giáo dục cũng như là nguồn tài chính bổ sung của các trường đại học tại khu vực. Thời gian qua, lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học ở CEE không ngừng gia tăng nhờ vào cơ hội hợp tác mới dưới “ô dù” diễn đàn hợp tác 17+1.

Chấn động vụ can thiệp ở đại học Đức

Tờ Tagesspiegel mới đây phát hiện Đại học Tự do Berlin (FU) của Đức ký thỏa thuận nhận hàng trăm ngàn euro từ Trung Quốc để thiết lập chương trình đào tạo giáo viên cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo thỏa thuận này, phía Trung Quốc có quyền cắt giảm hoặc tạm ngưng tài trợ nếu có bất kỳ yếu tố nào của chương trình trái với luật pháp Trung Quốc. Thỏa thuận được coi là vụ xì-căng-đan trong nền giáo dục đại học ở Đức.

Giới lập pháp Đức đã lên tiếng chỉ trích các điều khoản trong thỏa thuận, cho rằng Bắc Kinh dựa vào đó để cấm giảng dạy các vấn đề liên quan đến sự kiện Thiên An Môn năm 1989 hay tình hình Tây Tạng. “Sự can thiệp của Trung Quốc tại FU rõ ràng cho thấy Bắc Kinh có ý đồ trong việc “hợp tác” với các tổ chức giáo dục của chúng ta. Độc lập về khoa học là một trong những quyền tự do quan trọng nhất và cần phải được đảm bảo” - Renata Alt, nghị sĩ liên bang đảng Dân chủ Tự do (FDP), viết trên trang cá nhân Twitter. Còn Jens Brandenburg, một nhà lập pháp FDP khác, cho rằng thỏa thuận này như là sợi dây trói buộc FU. Ông Brandenburg bình luận: “Với thỏa thuận này, FU chấp nhận phục tùng luật pháp và công lý của Trung Quốc”, qua đó đe dọa đến tự do giảng dạy và nghiên cứu của trường này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết