17/05/2023 - 08:50

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở “sân sau” của Mỹ 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tướng Laura Richardson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) phụ trách khu vực Trung Mỹ và Mỹ Latinh của quân đội Mỹ, trong bài phát biểu trước Quốc hội nước này mới đây cho biết, các hành động của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ đang gây ra mối đe dọa đối với an toàn của xứ cờ hoa. Theo bà Richardson, Bắc Kinh đang tiến bước không ngừng để thay thế Washington trở thành lãnh đạo trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Argentina Alberto Fernández ở Bắc Kinh  hồi tháng 2-2023. Ảnh: AFP

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào Nam Mỹ và vùng Caribe, “sân sau” của Mỹ. Từ cuối những năm 1990, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Nam Mỹ và Caribe bắt đầu gia tăng. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc ráo riết tìm kiếm dầu mỏ và các nguồn nguyên liệu thô khác trên toàn cầu. Năm 2000, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với khu vực đạt tổng cộng 12 tỉ USD. 21 năm sau, con số này là 315 tỉ USD; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bắc Kinh vào khu vực khoảng 130 tỉ USD, trong khi khoản cho vay phát triển ròng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc là khoảng 66,5 tỉ USD, tăng theo cấp số nhân so với năm 2000, chủ yếu dành để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của khu vực. Năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 9 quốc gia trong khu vực, gồm Argentina, Brazil, Bolivia, Cuba, Chile, Peru, Paraguay, Uruguay và Venezuela.

Trong khi tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và khu vực rất ấn tượng, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh và vùng Caribe. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Mỹ với khu vực đạt 758 tỉ USD, nhưng 71% trong số này đến từ giao dịch với Mexico.

Dẫu vậy, dù mạnh tay “vung tiền” đầu tư nhưng ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao của Trung Quốc tại khu vực là không rõ ràng. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Brazil trong hơn một thập niên qua, căng thẳng giữa Brasília với Bắc Kinh đã nảy sinh ở cả phe cánh tả và cánh hữu của quốc gia Nam Mỹ này. Còn tại Panama, sau khi Mỹ không ngừng tạo áp lực, một số hợp đồng phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD vốn ban đầu được trao cho các công ty Trung Quốc đã bị hủy bỏ và trao cho các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Trung Quốc chỉ xâm nhập một cách khiêm tốn vào khu vực. Trong khi số lượng sĩ quan quân đội và an ninh ở Nam Mỹ và vùng Caribe đến Trung Quốc huấn luyện tăng lên, Mỹ vẫn là điểm đến huấn luyện hàng đầu của hàng ngàn sĩ quan trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn đặt hàng chục căn cứ và các cơ sở khác tại đây, đồng thời là nước đảm bảo an ninh cuối cùng cho khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng mặc dù sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực tăng lên đáng kể trong thập niên qua nhưng Trung Quốc khó có khả năng thay thế Mỹ trở thành cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự ở Mỹ Latinh trong tương lai gần, bởi quyền lực của Washington trong khu vực vẫn vững chắc và không có cường quốc nào khác có thể thách thức sự thống trị kinh tế của Washington.

Trong diễn biến mới nhất, Ecuador, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ sáu của Mỹ Latinh, vừa tuyên bố ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Đây là sự kiện đáng ngạc nhiên vì Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso thường xuyên nói rằng ông “thân” Mỹ. Dù chưa được Quốc hội Ecuador thông qua nhưng thỏa thuận này sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Quito, bởi nó sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận ưu đãi đối với gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp của Ecuador như tôm, cà phê và chuối.

 

Chia sẻ bài viết