30/01/2019 - 08:01

Trung Quốc khoe “Sát thủ Guam” 

Giữa lúc cạnh tranh quân sự chiến lược với Mỹ ngày càng gia tăng, Trung Quốc mới đây cho công bố những hình ảnh về hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được cho có khả năng tấn công các tàu chiến đang di chuyển.

Tên lửa DF-26 trong một buổi lễ duyệt binh. Ảnh: Getty Images

Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại địa điểm không tiết lộ ở Tây Bắc. Đoạn phim phát trên đài truyền hình trung ương CCTV cho thấy tên lửa được phóng lên không trung mà không tấn công mục tiêu nào. Nhưng dựa vào cận cảnh cấu trúc, các chuyên gia quân sự Trung Quốc khẳng định DF-26 có khả năng tấn công tàu sân bay đang di chuyển.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết DF-26 mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, đồng nghĩa chúng có thể triển khai trong các cuộc tấn công truyền thống, hạt nhân và chống hạm. Điều này cho phép Trung Quốc mở rộng năng lực tấn công tàu sân bay và các căn cứ hải quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tên lửa DF-26 cũng được biết đến với biệt danh “Sát thủ Guam” khi tầm bắn được cho lên tới 5.741km, đặt vùng lãnh thổ này của Mỹ  trên Thái Bình Dương vào phạm vi tấn công.

Thông điệp “răn đe”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 4-2018 xác nhận DF-26 thuộc biên chế Lực lượng Tên lửa. Trong tuyên bố đầu tháng này, Bắc Kinh tiết lộ đã triển khai “tên lửa diệt tàu sân bay” đến vùng sa mạc và cao nguyên phía Bắc. Thông tin đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ trong hoạt động khẳng định tự do hàng hải và thách thức yêu sách chủ quyền quá mức đã điều tàu khu trục tên lửa USS McCampbell đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng và quân sự hóa trái phép. Được biết, cựu chuẩn Đô đốc Trung Quốc La Viện còn từng lên tiếng đòi đánh chìm 2 tàu sân bay của Mỹ để loại bỏ một trong những lợi thế quân sự của Washington.

Với việc tiếp tục công khai clip tập trận phóng tên lửa DF-26, Giáo sư Bates Gill chuyên nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie (Úc) nhìn nhận Trung Quốc đang muốn thể hiện khả năng răn đe trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ không ngừng leo thang. Đồng quan điểm, chuyên gia James Floyd Downes cho đây là hành động chính trị có tính toán của Bắc Kinh, đặc biệt sau tuyên bố tuần rồi của Đô đốc Mỹ John Richardson không loại trừ khả năng điều tàu sân bay qua Eo biển Đài Loan. Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Adam Ni, thông điệp của Bắc Kinh đó là họ có thể đánh chìm các khí tài chiến lược như tàu sân bay và gây ra thiệt hại “không thể chấp nhận” đối với lực lượng Mỹ.

Song song hành động mang tính thách thức Mỹ, giới quan sát cho biết Trung Quốc đồng thời tìm cách cải thiện quan hệ quân sự với Úc - một trong những đồng minh chủ chốt của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo chuyên gia quân sự Song Zhongping, sự ủng hộ của Canberra đối với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực đang khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại. Trong bài phát biểu tại Singapore hôm 28-1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne lên án cách tiếp cận của Bắc Kinh ở Biển Đông làm xói mòn niềm tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Ông Pyne cam kết Úc sẽ hỗ trợ các hoạt động đa phương ở Biển Đông nếu được yêu cầu để “nhắc nhở” Trung Quốc đây là vùng biển quốc tế.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết