05/10/2015 - 15:42

Trung Quốc: Hệ lụy từ nạn mua bán thuốc nổ tràn lan

Theo Reuters, do sở hữu súng cá nhân là điều không được phép tại Trung Quốc nên các vụ phạm tội liên quan đến súng rất hiếm ở nước này. Ngược lại, chất nổ lại được mua bán tràn lan để phục vụ ngành công nghiệp khai thác mỏ và sản xuất pháo hoa.

Một loạt vụ nổ khiến ít nhất 7 người chết và 51 người bị thương ở huyện Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây hôm 30-9 cho thấy rất dễ dàng mua được chất nổ tại Trung Quốc. Nó cũng hé lộ lổ hỗng to lớn của bộ máy an ninh khổng lồ trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và bức xúc ngày một tăng xung quanh các vấn đề xã hội như tham nhũng và dịch vụ công yếu kém.

Hồi tháng 9-2014, tòa án tỉnh Vân Nam đã tuyên 3 năm tù giam đối với một người đàn ông họ Ren sau khi giới chức phát hiện hơn 20 kg thuốc nổ, gần 100 kíp nổ và số ngòi nổ dài tới 1,5 km tại nhà riêng của ông này. Ren khai đã mua được số vật liệu trên chỉ bằng cách nói rằng mình cần chúng để phục vụ nhu cầu công việc, thậm chí là đã cất trữ chúng ở nhà 10 năm qua mà không gặp vấn đề gì. “Điều này chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng về phương diện an ninh tại Trung Quốc. Nó cho thấy chính phủ thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả để hạn chế việc tiếp cận các loại hàng hóa nguy hiểm” - Jian Zhang, giảng viên ngành chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định.

Sản xuất thuốc nổ tại công ty Fabchem, Trung Quốc. Ảnh: Fabchem China

Vụ đánh bom hàng loạt mới đây đã làm đậm nét thêm mối quan ngại của giới chức Trung Quốc về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi mà khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn và sự bất mãn ngày càng gia tăng xung quanh nạn tham nhũng và tình trạng ô nhiễm môi trường.  Hồi năm ngoái, cảnh sát Liễu Châu đã bắt giữ hai cha con dùng pháo hoa tự chế đốt cháy nhiều thùng rác tại một quảng trường và làm bị thương một phụ nữ qua đường, chỉ vì “không hài lòng với xã hội và muốn trả thù”. Còn năm 2011, một người đàn ông nước này đã gây ra các vụ nổ liên hoàn tại 3 địa điểm gần các tòa nhà chính phủ ở miền Đông khiến 2 người thiệt mạng, do quá tức giận khi căn nhà của ông ta bị tháo dỡ trái phép. Nhưng nghiêm trọng nhất là vụ một người đàn ông vì gặp chuyện buồn gia đình đã làm nổ khu ký túc xá công nhân tại thành phố Thạch Gia Trang khiến 108 người chết hồi năm 2001.

“Xã hội Trung Quốc hiện đại có rất nhiều mâu thuẫn, và nếu người dân muốn gửi một thông điệp về sự tức giận hoặc thể hiện quan điểm, họ có thể thu thập chất nổ từ bất kỳ khu mỏ nào. Đơn giản là vì cảnh sát không thể canh chừng tất cả mọi người” - Pan Zhiping, một chuyên gia an ninh tại Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương, lo ngại nói.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết