12/05/2021 - 21:50

Trung Quốc dùng “fan ảo” đánh bóng hình ảnh 

Thông qua các tài khoản giả mạo trên một số mạng xã hội phổ biến của phương Tây, Trung Quốc đang mở mặt trận mới trong cách tiếp cận ngày càng quyết liệt về ngoại giao và tuyên truyền, củng cố tham vọng định hướng dư luận toàn cầu.

Bà Hoa Xuân Oánh là một trong những quan chức ngoại giao Trung Quốc sở hữu lượng fan hùng hậu trên mạng xã hội.

Hồi tháng 7-2019, cụm từ “chiến lang” trong môi trường ngoại giao lần đầu được nhắc đến sau vụ Phó đại sứ Trung Quốc ở Pakistan Triệu Lập Kiên (hiện là người phát ngôn Bộ Ngoại giao) dùng những từ ngữ nặng nề chỉ trích Mỹ trên Twitter. Tháng 9 cùng năm, các nhà ngoại giao Trung Quốc đổ xô lên Twitter và Facebook sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc cán bộ cần tăng cường “tinh thần chiến đấu”.

Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, từng được xem là “gương mặt vàng” của phong cách “ngoại giao chiến lang” khi thường trực trên chiến trường trực tuyến để tấn công bất kỳ ai “nói xấu” Bắc Kinh tại châu Âu. Trước khi rời chức vụ hồi năm ngoái sau hàng loạt bê bối, ông Lưu thu hút hơn 119.000 người theo dõi trên Twitter dù mạng xã hội này bị cấm tại Trung Quốc. Ngay cả Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng thường xuyên đưa những tuyên bố chỉ trích lên mạng xã hội này. Hồi mới lập tài khoản vào tháng 10-2019, bà Hoa đã sở hữu số lượt theo dõi lên tới gần 500.000 người.

Theo Viện nghiên cứu Internet Oxford (Anh) và Hãng tin AP (Mỹ), có ít nhất 270 nhà ngoại giao Trung Quốc tại 126 quốc gia đang hoạt động trên Twitter và Facebook. Họ kiểm soát tổng cộng 449 tài khoản và đăng gần 950.000 lần từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 2 năm nay. Những bài viết được bấm thích hơn 350 triệu lần, tương tác và chia sẻ hơn 27 triệu lần.

Tuy nhiên, điều tra riêng trên Twitter trong 7 tháng qua tiết lộ sự nổi tiếng này là dàn dựng. Theo đó, có một đội quân gồm các tài khoản giả chịu trách nhiệm đăng lại (retweet) hàng chục ngàn lần nội dung bài viết của quan chức ngoại giao Trung Quốc, giúp tuyên truyền quan điểm của Bắc Kinh đến hàng trăm triệu người dùng khác. Ví dụ, theo điều tra thì hơn 60% tổng số lượt retweet cho các đại sứ quán Trung Quốc ở Angola và Hy Lạp từ tháng 6 năm ngoái đều thuộc về các tài khoản đã bị đình chỉ. Hơn 20.000 lượt retweet trên tài khoản của bà Hoa Xuân Oánh và ông Triệu Lập Kiên cũng từ các tài khoản bị Twitter trừng phạt.

Ðáng nói là biện pháp của mạng xã hội Mỹ vẫn không ngăn được các “cỗ máy tuyên truyền” ủng hộ Trung Quốc khi nhiều nhóm tài khoản ảo hoặc hoạt động bí mật tiếp tục được lập ra bằng nhiều ngôn ngữ, thậm chí còn giả mạo công dân các nước phương Tây để “bắc loa” tuyên truyền thông điệp có lợi cho Bắc Kinh. Theo các nhà chuyên môn, sự nổi tiếng giả tạo đó có thể nâng cao vị thế Trung Quốc khi tạo ra hình ảnh ủng hộ mạnh mẽ dành cho các nhà ngoại giao nước này. Không chỉ khiến người dùng chân chính bị ảnh hưởng, về lâu dài hoạt động này còn làm méo mó môi trường thông tin, giảm mức độ an toàn và tính xác thực thông tin từ Trung Quốc.

“Cuộc chiến” không cân xứng

Trung Quốc lập mặt trận tuyên truyền trên các mạng xã hội phương Tây khi nước này đang khởi động cuộc chiến giành ảnh hưởng trực tuyến ở trong nước lẫn hải ngoại. Mục tiêu là khuếch đại thông điệp trên diện rộng, củng cố quyền lực và lợi ích của Bắc Kinh sau các chiến lược kiểm soát ngành điện ảnh, in ấn và truyền thông trước đó.

Lãnh đạo Trung Quốc xác định đây là “chiến trường chính” đối với công tác dư luận; trong khi các nhà phân tích phương Tây coi đó là thách thức nghiêm trọng cho các nền dân chủ. Bởi so với các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể thoải mái tiếp cận người dùng trực tuyến quốc tế, giới đối ngoại phương Tây tuy cũng đang sử dụng chiến lược ngoại giao cứng rắn nhưng lại không đủ khả năng tiếp cận công chúng Trung Quốc khi Bắc Kinh cấm hầu hết hoạt động của các mạng xã hội nước ngoài.

Trong bối cảnh này, các nền tảng phổ biến như Twitter và Facebook năm ngoái bắt đầu hành động bằng cách gắn nhãn minh bạch các tài khoản thuộc về “quan chức chính phủ quan trọng” hoặc kênh truyền thông liên kết với nhà nước nhằm mang đến cho người dùng cái nhìn tổng quan hơn. Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu về truyền thông Trung Quốc ở Hong Kong, người dùng Twitter sau chiến lược này đã giảm bấm thích và ngừng chia sẻ, giới thiệu thông điệp từ những tài khoản hay hãng tin Trung Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết