22/07/2018 - 07:52

Trung Quốc “đánh bại” Pháp ở châu Phi 

Trung Quốc đang giành lợi thế, thậm chí thách thức sự thống trị của Pháp tại những quốc gia từng là thuộc địa của nước này ở châu Phi, từ lĩnh vực xây dựng đến truyền thông.

Đập thủy điện Soubre do Trung Quốc đầu tư và xây dựng ở Bờ Biển Ngà. Ảnh: AFP
Đập thủy điện Soubre do Trung Quốc đầu tư và xây dựng ở Bờ Biển Ngà. Ảnh: AFP

Cùng với khu vực Âu-Á, châu Phi cũng là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Những năm gần đây, các nền kinh tế năng động ở khu vực, đặc biệt là một số nước nói tiếng Pháp ở phía Tây, đã chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục những khoản vay từ Bắc Kinh, cạnh tranh với Pháp trong hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Ngoài thuộc địa cũ của Pháp như Mali, Niger và Togo, mối quan tâm chính hiện nay của Bắc Kinh trong khu vực là Bờ Biển Ngà. Quốc gia Tây Phi này do ảnh hưởng xung đột chính trị đã bị “bỏ lỡ” trong giai đoạn đầu khi Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào lục địa đen. Khủng hoảng kết thúc vào năm 2011 đã mở ra cơ hội để Bờ Biển Ngà bắt kịp nguồn vốn đầu tư Trung Quốc, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế trị giá 40 tỉ USD tăng trưởng trung bình 8%/năm từ năm 2012.

Theo ước tính hồi năm 2015 của Sáng kiến ​​Nghiên cứu châu Phi thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), các khoản vay Trung Quốc cung cấp cho Bờ Biển Ngà trong 5 năm trước đó đã tăng 1.400%, đạt tổng cộng 2,5 tỉ USD, còn Senegal tăng 1.268%, đạt gần 1,4 tỉ USD. Tuy Pháp vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bờ Biển Ngà nhưng các công ty Trung Quốc lại là bên giành được các hợp đồng xây dựng béo bở, từ sân vận động, cảng, cơ sở sản xuất nước uống đến đường cao tốc ven biển nối liền thủ đô Adidjan và  thành phố nghỉ mát Grand Bassam. Một trong những công trình quan trọng được biết đến là đập thủy điện Soubre góp phần đưa  quốc gia Tây Phi trở thành nhà xuất khẩu điện chính của khu vực cũng do công ty Sinohydro thi công với 85% kinh phí hỗ trợ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Tương tự, Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm phần lớn công trình quan trọng tại Senegal, từ xây mới Bộ Ngoại giao đến dự án khu công nghiệp, tuyến đường sắt, cải tạo con đập cũ ở phía Nam Ziguinchor. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang có chuyến công du Senegal đầu tiên để khánh thành một bảo tàng tại đây về nền văn minh châu Phi.  Không riêng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc còn thách thức sự thống trị của Pháp trong những lĩnh vực khác. Điển hình việc Tập đoàn truyền thông StarTimes trụ sở tại Bắc Kinh đã chấm dứt sự độc quyền của Canal+ thuộc tập đoàn Pháp Vivendi trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại một số nước châu Phi.

Theo giới quan sát, quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và Bờ Biển Ngà cũng như phần còn lại của khu vực đánh dấu bước tiến quan trọng về ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu lục này, từ việc cấp học bổng cho các học giả châu Phi đến góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan và Mali.  “Nhiều người từng nghĩ rằng Pháp kiểm soát mọi thứ tại khu vực này. Tuy nhiên, như đã thấy, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tìm đến và kiểm soát phần lớn dự án tại những quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp” - Giám đốc chi nhánh ngân hàng cho vay lớn nhất châu Phi Standard Bank Dominique Banny nhận định.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết