18/08/2018 - 11:23

Trung Quốc bị nghi “huấn luyện” phi công tấn công Mỹ 

Theo báo cáo công bố hôm 16-8 của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang tích cực phát triển phi đội máy bay ném bom tầm xa và “có thể” huấn luyện phi công của họ thực hiện các nhiệm vụ nhắm vào Mỹ.

Trong “Báo cáo thường niên về phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, các quan chức quân sự xứ cờ hoa cho rằng trong 3 năm qua, quân đội Trung Quốc đã gấp rút mở rộng các khu vực hoạt động của máy bay ném bom, nhằm thu thập kinh nghiệm ở những khu vực hàng hải quan trọng và có khả năng luyện tập để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh. “Quân đội Trung Quốc có thể đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động ra xa chuỗi đảo thứ nhất, chứng minh khả năng tấn công lực lượng, căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm đảo Guam” - báo cáo nhấn mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang theo đuổi  năng lực  hạt nhân cho máy bay ném bom tầm xa  “Triển khai và hợp nhất máy bay có năng lực hạt nhân giúp Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu bộ ba hệ thống mang hạt nhân trên  bộ, trên biển và trên không” - báo cáo nêu rõ.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Ảnh: Chinese Military Review

Năm 2017, các máy bay ném bom của Trung Quốc đã thực hiện hàng chục chuyến bay qua Biển Nhật Bản, vào khu vực Tây Thái Bình Dương, quanh Đài Loan, trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, tất cả đều là “những điểm nóng tiềm tàng”. Cụ thể hồi tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã điều 6 máy bay ném bom H-6K lượn qua eo biển Miyako, phía Tây Nam Nhật Bản và sau đó lần đầu tiên chuyển hướng đến bờ biển phía Đông đảo Okinawa, nơi có 47.000 binh sĩ Mỹ đóng quân. Trung Quốc chỉ tiến hành 4 chuyến bay như thế trong năm 2015, 2016 và 2 chuyến trong giai đoạn 2013- 2014.

Hồi tháng 5 vừa qua, nhằm phô trương khả năng mở rộng sức mạnh, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên cho đáp các máy bay ném bom H-6K xuống một trong những đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Giới quân sự Mỹ cho rằng các hoạt động của oanh tạc cơ H-6K ở Tây Thái Bình Dương đáng lo ngại vì chúng có thể mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM), qua đó hỗ trợ quân đội Trung Quốc khả năng tấn công tầm xa chính xác vào đảo Guam.

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc được cho đang trải qua cuộc tái cơ cấu toàn diện nhất trong lịch sử để trở thành lực lượng có thể tiến hành các chiến dịch phối hợp. Báo cáo của Lầu Năm Góc ước tính chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh trong năm 2017 đã vượt 190 tỉ USD trong bối cảnh nước này muốn mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Đầu năm nay, Washington đã công bố Chiến lược quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh “các cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc” là một trong những thách thức hàng đầu của quân đội Mỹ.

Mỹ hoãn duyệt binh do chi phí cao

Cuộc duyệt binh mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu trong năm nay đã bị dời sang năm tới, sau khi xuất hiện các báo cáo cho rằng chi phí tổ chức tăng gần 3 lần so với dự tính ban đầu.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning cho biết Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng dự định tiến hành cuộc duyệt binh để tri ân các cựu binh Mỹ và kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất vào ngày 10-11-2018, nhưng đã thống nhất lùi sang năm 2019. Khi Nhà Trắng công bố ý định tổ chức lễ duyệt binh của ông Trump hồi đầu năm nay, giám đốc ngân sách cho rằng sự kiện này sẽ tiêu tốn 10- 30 triệu USD. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ tiết lộ rằng chi phí hiện bị đội lên tới 92 triệu USD.

Được biết, ý tưởng tổ chức sự kiện trên, dự kiến có màn thị uy sức mạnh không quân rầm rộ, được chủ nhân Nhà Trắng đưa ra sau khi thăm Pháp năm ngoái và ấn tượng với lễ duyệt binh hoành tráng mừng ngày quốc khánh nước này.

THANH BÌNH (Theo AFP, CNN)

 

Chia sẻ bài viết