03/04/2022 - 08:37

Trung Quốc bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường Tây bán cầu 

TRÍ VĂN (Theo SCMP, Mongabay)

Trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 31-3, các nhà lập pháp, quan chức chính phủ và chuyên gia Mỹ lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại ngày càng áp đảo, vượt trội hơn so với ảnh hưởng của xứ cờ hoa. Tuy nhiên, các dự án của Trung Quốc mang nhiều tai tiếng khi gây ra những hệ lụy lớn về môi trường sinh thái tại Tây bán cầu vốn được coi là “sân sau” của Mỹ.

Đập Coca Codo Sinclair của Ecuador được Trung Quốc tài trợ và xây dựng. Ảnh: APTrung

Trong 2 thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 160 tỉ USD vào khu vực. Hiện 20 trong số 31 quốc gia tại khu vực là thành viên của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Ðáng chú ý, có tới 25 trong số 31 dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực là do Trung Quốc hậu thuẫn. Kể từ năm 2015, có tới 44 cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, trong khi tổng kim ngạch thương mại của Bắc Kinh với Mỹ La-tinh đạt mức 318 tỉ USD hồi năm 2020, tăng mạnh so với con số chỉ 18 tỉ USD hồi năm 2002, chủ yếu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và hàng hóa nông nghiệp. Trung Quốc cũng đầu tư gần như mọi thứ, từ các công nghệ chiến lược, cơ sở hạ tầng, kể cả mang lưới di động 5G, cho đến thiết lập liên minh quân sự, thúc đẩy quan hệ chính trị và sớm tham gia vào các dự án để giành được ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc thường gây ra những hậu quả lớn về môi trường. Chẳng hạn, đập thủy điện Coca Codo Sinclair  ở Ecuador được Bắc Kinh xây dựng và tài trợ kể từ khi chính thức khai trương vào năm 2016 đã có đến hơn 7.600 vết nứt, vỡ đường ống dẫn dầu, làm xáo trộn cộng đồng bản địa và vẫn chưa hoạt động hoàn toàn. Ðiều đáng nói là nó khiến Quito “ôm” khoản nợ hàng tỉ USD. “Trung Quốc chỉ ưu tiên cho sự thịnh vượng của mình nên thường gây tổn hại đến sự thịnh vượng của người dân địa phương” - Andrew M. Herscowitz, Giám đốc phát triển của IDFC, dẫn chứng. Ngoài ra, lợi dụng mối quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao của chính phủ, các tàu cá Trung Quốc đẩy mạnh đánh bắt cá trái phép tại vùng biển của các nước Tây bán cầu.

Một báo cáo mới đây cũng cho biết, tác động đến môi trường mà các dự án Trung Quốc mang lại không chỉ gây tổn hại trực tiếp đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư hiện tại mà còn cản trở quyền được sống trong môi trường trong lành của các thế hệ tương lai.

Ðể đi đến kết luận trên, báo cáo đã xem xét 26 dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Mexico, Peru và Venezuela. Trong đó, có 24 dự án nằm ở các khu vực “có tầm quan trọng sinh thái lớn” và có thể có tác động lâu dài đến đa dạng sinh học. Báo cáo cho hay, nhiều dự án đã làm hư hại các lưu vực đầu nguồn của địa phương, khiến chúng bị ô nhiễm bằng xyanua, metabisulfite và peroxide, hoặc cản trở dòng chảy của các con sông, dẫn đến lũ lụt và hạn hán.

“Ða phần các dự án đó thiếu sự minh bạch, không có thông tin, không có nghiên cứu về tác động đối với môi trường cũng như thiếu các biện pháp thích hợp để ngăn chặn nạn vi phạm nhân quyền” - Viviana Idrivo, điều phối viên của Alianza en Ecuador, một trong những tổ chức đóng góp cho báo cáo, phàn nàn.

Người phát ngôn Ðại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ mới đây giải thích rằng “những gì Trung Quốc mang đến cho các nước tại khu vực là cơ hội. Mỹ luôn coi Mỹ La-tinh và vùng Caribe là “sân sau” của mình, đồng thời luôn gây áp lực cho họ. Ai là bạn thật, ai là bạn giả, người phớt lờ các quy tắc và gieo rắc sự hỗn loạn. Tôi tin rằng các quốc gia liên quan sẽ đưa ra phán quyết chính xác” - ông Lưu nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết