29/05/2023 - 20:17

Trung bình 4 giây có 1 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá 

(CT) - Ngày 29-5, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11-5-2023 của Bộ Y tế quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Hội nghị kết nối từ điểm cầu Hà Nội đến nhiều điểm cầu trên cả nước. Tại Cần Thơ, đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ dự hội thảo.

Bảng cấm hút thuốc lá tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Mỗi ngày có xấp xỉ 21.000 người tử vong và trung bình 4 giây có 1 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá trên thế giới.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Ðây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc tuyên truyền ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Theo Ðiều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.

“Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại” - ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Bộ Y tế triển khai Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11-5-2023 quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-8-2023. Ðại diện các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế cũng trình bày các báo cáo: kinh nghiệm thực hiện môi trường không thuốc lá trên thế giới; Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và khuyến cáo của WHO về thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc và cảnh báo sức khỏe; triển khai thực thi quy định địa điểm cấm hút thuốc lá và hướng dẫn việc thực hiện xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết