29/05/2021 - 08:07

Trung - Ðài đấu khẩu về vaccine COVID-19 

Vaccine COVID-19 đang trở thành tâm điểm giằng co mới giữa Trung Quốc và Ðài Loan khi Bắc Kinh bị tố cản trở hòn đảo này tiếp cận sản phẩm của Pfizer/BioNTech.

Chỉ khoảng 1% dân số Ðài Loan đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: BBC

Cùng với Singapore, Ðài Loan từng được xem là hình mẫu chống dịch thành công ở châu Á khi có số ca nhiễm giới hạn ở mức 1.000 và ít trường hợp tử vong; đồng thời không có lệnh phong tỏa nào cần thiết. Nhưng trong 10 ngày trở lại đây, dịch bệnh ở vùng lãnh thổ này bất ngờ tăng mạnh và ngày càng nghiêm trọng buộc các nhà lãnh đạo duy trì cảnh báo phòng dịch cấp độ 3 và cho học sinh nghỉ học đến ngày 14-6.

Trong bối cảnh đó, Hãng tin Reuters cho biết mới chỉ có 1% trong tổng số 24 triệu người Ðài Loan được tiêm vaccine COVID-19. Chính quyền Ðài Bắc trước đó tuyên bố đặt mua 30 triệu liều vaccine đủ để tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 60% dân số. Số vaccine này bao gồm nguồn cung trong nước và các hãng dược nước ngoài như AstraZeneca (Anh) và Moderna (Mỹ). Ngoài ra, Ðài Bắc cũng nỗ lực đàm phán với Hãng công nghệ sinh học Ðức BioNTech về sản phẩm vaccine sản xuất chung với Pfizer (Mỹ). Nhưng đến nay, Ðài Loan mới chỉ nhận được hơn 700.000 liều vaccine AstraZeneca và có thể nhận thêm lô đầu tiên từ Moderna với khoảng 150.000 liều vào cuối tuần này.

Riêng về hợp đồng với BioNTech, lãnh đạo Ðài Loan Thái Anh Văn hôm 26-5 đã lên tiếng tố Trung Quốc can thiệp khiến thỏa thuận hồi tháng 1 bị đổ vỡ vào phút chót. Thông tin thêm, người đứng đầu cơ quan y tế Ðài Loan Trần Thời Trung cho biết thời điểm hai bên chuẩn bị công bố hợp đồng, hãng dược Ðức đã gởi thông báo yêu cầu Ðài Loan thay thế cụm từ “quốc gia chúng tôi” trong văn bản tiếng Trung. Chính quyền bà Thái sau đó đổi cụm từ nói trên bằng chữ “Ðài Loan” nhưng BioNTech gởi tiếp thông báo nói rằng phải hoãn thỏa thuận sau khi đánh giá nguồn cung toàn cầu. Ngụ ý về sự can thiệp của Trung Quốc, ông Trần cho biết hợp đồng đã chốt và vấn đề rõ ràng chỉ có thể do yếu tố bên ngoài.

Bắc Kinh đến nay vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời tố ngược các nhà lãnh đạo Ðài Loan đang “hy sinh” sức khỏe người dân vì lợi ích chính trị. Ðược biết, Trung Quốc trước đó đề nghị cung cấp vaccine COVID-19 cho Ðài Loan, bao gồm vaccine nội địa cũng như vaccine của Pfizer/BioNTech theo như Ðài Loan mong muốn để giúp hòn đảo này giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe. Song, chính quyền bà Thái nói rõ nguyên tắc của Ðài Loan là mua trực tiếp vaccine từ các nhà sản xuất hoặc thông qua cơ chế phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo chất lượng được kiểm soát. Theo ý kiến của giới phân tích, Ðài Loan sau vụ việc với BioNTech có lẽ càng không tin thiện chí của Trung Quốc trong việc hỗ trợ vaccine COVID-19.

Phân tích thêm về “khẩu chiến” Trung - Ðài, Giáo sư Steve Tsang tại Trường Nghiên cứu phương Ðông và châu Phi ở Anh cho biết cả hai đang trong tình huống “Trung Quốc không thể thua và Ðài Loan không thể thắng”. Tuy người dân Ðài Loan hiện còn e ngại chất lượng vaccine do Trung Quốc cung cấp, nhưng tình hình khan hiếm nếu không sớm giải quyết có thể đẩy chính quyền bà Thái vào thế khó khăn hơn. Bởi đồng ý sự hỗ trợ từ Bắc Kinh sẽ vô tình giúp xây dựng hình ảnh đại lục có năng lực bảo vệ người dân Ðài hơn các nhà lãnh đạo ở Ðài Bắc. Còn nếu từ chối, bà Thái Anh Văn có nguy cơ đối mặt chỉ trích coi thường sức khỏe cư dân của hòn đảo. Ðây sẽ là đòn giáng mạnh đối với tương lai chính trị của bà Thái cũng như đảng Dân Tiến cầm quyền.

Dẫn nguồn tin chính phủ cùng một số nhân vật trong đảng cầm quyền, tờ Sankei hôm 28-5 cho biết Nhật Bản đang cân nhắc cung cấp cho Đài Loan một phần nguồn vaccine COVID-19 AstraZeneca trong số 120 triệu liều nước này đã đặt mua nhưng chưa sử dụng.

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết