25/02/2019 - 18:31

Trong đáy hồ 

Truyện ngắn HOÀNG KHÁNH DUY

Đường lên hồ Thủy Cốc khúc khuỷu, dốc nọ nối tiếp dốc kia, rợp màu hoa dã quỳ những ngày cuối thu đẹp lung linh. Chúng tôi chọn đi bằng xe Jeep vì con đường trắc trở lên đỉnh núi khiến Nhân không dám vượt qua. Lần va quẹt xe dưới chân đồi trong đêm khuya khiến anh ám ảnh mãi. Bác tài xế nói với chúng tôi từ khi hồ Thủy Cốc mở cửa đón khách, mỗi ngày có đông đảo du khách đến đây, họ để lại chặng đường rừng những vết chân và mang về những tấm ảnh đẹp.

Đến nơi, Nhân nắm tay tôi đi quanh hồ. Cái nắng buổi trưa xua tan hơi lạnh và màn sương mù đục của rừng già. Trên đồi thông vọng lại tiếng chim rừng quấn quýt bên nhau. Mẹ dặn tôi: “Đừng hét lớn giữa chốn núi rừng linh thiêng. Cũng đừng mang về bất cứ thứ gì của rừng già”. Tôi vẫn nhớ như in lời của mẹ và tin rằng núi đồi ngàn năm u tịch hoang sơ ẩn chứa những điều kỳ bí con người chưa thể khám phá  hết. Buổi trưa, khách du lịch đến đây rất đông. Một nhóm người ngồi bên bờ hồ Thủy Cốc ăn bắp nướng, nhấm nháp trà atiso và tận hưởng không khí mát mẻ của núi rừng. Những đôi tình nhân ngồi cạnh nhau, ngả đầu vào vai nhau, tay đan chặt tay. Ngoài mặt hồ loang loáng nắng.

Tôi ghé vào một tum tre tránh nắng. Nhân mở máy ảnh xem lại hình anh đã chụp cho tôi. Chị chủ quán nói với tôi nơi đây từng là công trường khai thác đá bằng mìn và thuốc nổ. Không biết họ đã khai thác bao nhiêu lần mà đỉnh núi đá khuyết xuống tạo thành một lõm rộng và sâu, nước mưa và nước từ những khe đá chảy xuống rồi đọng lại thành hồ Thủy Cốc. Tôi sững người.

Gió xạc xào ru đồi thông u tịch phía bên kia. Mặt hồ xao động.

*     *     *

Bức thư của chú Dũng được gửi về từ một vùng xa lắc. Buổi trưa, tôi mừng hớn hở đạp xe hơn 5km ra bưu điện xã nhận thư. Mẹ kêu tôi mở thư ra đọc xem chú Dũng viết gì trong đó. Bao giờ cũng vậy, chú Dũng mở đầu bức thư bằng những dòng thăm hỏi sức khỏe mẹ con tôi, chú dặn mẹ đừng làm việc quá sức, dặn tôi cố gắng học xong phổ thông rồi lên thành phố học tiếp. Chú Dũng luôn chu đáo. Tôi nhớ có lần tôi hỏi chú sao không cưới vợ mà ở vậy hoài, chú cười cười: “Vợ con gì, chú ở vậy nuôi bé Thùy khôn lớn nên người”. Tôi thường tự nghĩ chú Dũng lạ quá, mỗi lần về thăm nhà chú đều đưa cho mẹ tôi ít tiền, sắm cho tôi quần áo… Mẹ tôi dặn chú thi thoảng về thăm hai mẹ con là vui rồi, đừng mua sắm tốn kém lắm. Chú gật đầu nhưng chưa bao giờ làm theo.

Tôi và mẹ sống ở xóm nhỏ dưới chân núi, buổi sáng mặt trời nhô lên từ cánh đồng bên kia và mỗi khi hoàng hôn, bóng núi đổ dài ôm trùm lấy những mái nhà. Tôi nhớ một buổi trưa đang ngồi học trong lớp bỗng nghe tiếng thằng Mực kêu hớt hải ngoài cửa:

- Thùy ơi, về nhà mau, ba mày bị rắn độc cắn...

Tôi chưa kịp định hình chuyện gì thì đã phải đối diện khoảng không bơ vơ khi về đến nhà, thấy hàng xóm giúp mẹ thay đồ cho ba tôi. Ba nằm trên giường, đắp tấm chăn mỏng và mới. Mẹ tôi gục đầu bên cạnh ba. Mắt tôi ráo hoảnh. Bao nhiêu kỷ niệm của ba con tôi bất chợt ùa về. Ba dẫn tôi ra chân núi ngắm hoa sim, ba cõng tôi qua cánh đồng đến khu vườn lung linh như cổ tích mà ba phát hiện, ba ôm tôi mỗi đêm trái gió trở trời… Rồi ba bỗng về với gió trời. Ngọn gió nhấc bổng linh hồn ba đi để lại mẹ con tôi bơ vơ.

Ít ngày sau đám tang, chú Dũng nói với mẹ tôi:

- Số anh Hai đã vậy thì em thay phần anh lo cho chị với bé Thùy.

Mẹ tôi quệt nước mắt, nhẹ nhàng:

- Đâu có được, chú còn phải có gia đình của mình. Mẹ con tôi sống nương tựa vào nhau, sẽ ổn.

Chú không nói gì, nhưng lời chú hứa với mẹ: thay phần ba lo cho mẹ và tôi – chú vẫn giữ mãi. Chú đi làm ở mỏ đá, mỗi tháng về nhà một lần, hoặc có khi chú không về mà gửi thư gửi tiền dặn mẹ đừng nhọc nhằn lam lũ trên đồng kẻo bệnh lại khổ, dặn tôi học giỏi, chừng nào về chú lại mua đồ mới cho tôi.

Trong thư, chú Dũng nói đợt này chú không về, công việc ở mỏ đá còn bề bộn. Tôi thấy lòng mình thoáng buồn. Từ ngày ba mất, người mà tôi dựa dẫm vào chính là chú Dũng và mẹ tôi. Tôi thương chú như thương người ba thứ hai của mình. Tôi ngồi nhìn ra song cửa. Ngoài kia núi thẳm mây ngàn.

Đợi chú về!

*      *      *

“Chỗ này từng là công trường khai thác đá bằng thuốc nổ”, câu nói của chị chủ quán khiến tôi lạnh người.

Chú Dũng không trở về. Người ta báo cho mẹ con tôi tin dữ: Chú Dũng đã chết trong một lần nổ mìn vỡ đá. Do tính sai thời gian, mìn nổ khi chú Dũng cùng những người khác vẫn còn lom khom quanh đó. Nhóm người ở công trường khai thác đá đứng ngơ ngẩn cho đến khi mìn ngưng nổ, chỗ hầm đá ngổn ngang, họ mới phát hiện chú Dũng cùng những người khác nằm lẫn trong lớp đá bạc màu.

Tôi rời mái phên đi lững thững bên bờ hồ Thủy Cốc. Trời chói chang. Nhân nhìn theo tôi. Bầu trời xanh. Mặt nước cũng màu xanh. Tôi nhìn chăm chăm xuống mặt hồ Thủy Cốc, bất giác như thấy gương mặt chú Dũng hiền từ nhìn tôi cười trìu mến. Nước mắt tôi rơi xuống mặt hồ, giọt nước trong se hòa vào làn nước màu xanh ngọc.

Tôi đứng trên bờ hồ. Trời sang chiều, đoàn khách du lịch đã rời đi, chỉ còn lại mấy đôi tình nhân luyến tiếc hoàng hôn tuyệt đẹp của núi đồi. Tôi khấn: Chú ơi, về thôi chú. Về với mẹ, với con, với khu vườn của mình bốn mùa xanh lá. Nơi đó có mộ phần của ba con, có ông bà, để mỗi sớm chú ngắm bình minh tỏa ánh nắng từ đỉnh núi xuống xóm làng thân thuộc.

Rẻo cao tắt nắng.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hồ Thủy Cốc