12/09/2013 - 21:28

Trở lại vai chính

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney vừa một lần nữa ra tuyên bố hoan nghênh "đề xuất rất đặc biệt" của Nga trong việc kiểm soát và hướng tới tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syrie. Ông Carney cũng cho biết Washington chấp nhận nhẫn nại chờ đợi sau sự phản hồi "hết sức tích cực" của chính quyền Damas đối với sáng kiến của Mát-xcơ-va, đồng thời bày tỏ "sự tin tưởng ngày càng tăng" của Nhà Trắng vào thiện chí của các đối tác ở Điện Kremlin.

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố của ông Carney có nghĩa là đặt mọi sự thành bại trong tiến trình ngoại giao đàm phán giải giáp vũ khí hóa học của Syrie lên vai chính quyền Nga thay vì Mỹ. Còn nhớ, khi được hỏi đâu là địa vị số một của Mỹ trong vấn đề vũ khí hóa học của Syrie, ông Carney đã thừa nhận nước này từng dẫn đầu các sứ mạng tương tự "nhưng không phải lúc nào cũng được ưa thích hoặc không luôn ở vị trí thích hợp".

Ngay trước khi ông Carney có bài phát biểu trên, hãng AP đã nhận định Nga đang trỗi dậy như nước đóng vai trung tâm không chỉ trong chuyện Syrie mà cả khu vực Trung Đông đầy biến động. AP gọi đây ít nhất là một chiến thắng chiến thuật trong ngành ngoại giao chiến lược toàn cầu của Nga. Thậm chí như bình luận của ông Leon Aron, chuyên gia về Nga của Viện nghiên cứu Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin có thể đã kéo người đồng nhiệm Barack Obama khỏi tình thế khó xử trong nước nếu Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch quân sự của Nhà Trắng. "Đây là thắng lợi nữa của ông Putin. Nước Nga bây giờ đang lấy lại vị thế của một cường quốc tại Trung Đông"- Aron giải thích thêm.

Theo AP, kiến nghị trên cho thấy Nga quyết tâm bảo vệ người đồng minh - Tổng thống Syrie Bashar al-Assad. Thành công này là cơ hội để Nga tăng cường hợp tác với Iran và các nước Trung Đông khác phát triển năng lượng hạt nhân. Quan hệ Nga và Iran có thể nâng tầm lên thành liên minh chiến lược. Ngoài ra, Nga sẽ tận dụng thời cơ này để tái khôi phục vai trò trung gian hòa đàm liên tục bị thất bại giữa Israel và Palestine.

Liên Xô từng giữ vai trò đặc biệt tại Trung Đông nhưng đã dần dà suy yếu trước Mỹ sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, nhất là khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat thời ấy trục xuất các cố vấn Xô-viết về nước để sau đó ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel năm 1979 và liên minh chiến lược với Mỹ. Với giải pháp bảo trợ hòa bình cho Syrie, Nga có thể trở lại nắm vai chính và theo đuổi lợi ích chính trị-chiến lược của mình tại khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ này.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết