14/07/2023 - 15:17

Trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững 

(CT)-  Ngày 14-7, tại tỉnh Hậu Giang, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức trình diễn công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững.

Hoạt động trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững được tổ chức tại ruộng lúa của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Em ở xã Vị Trung, Vị Thủy, Hậu Giang.

Hoạt động trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững được tổ chức tại ruộng lúa của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Em ở xã Vị Trung, Vị Thủy, Hậu Giang.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, IRRI, đại diện lãnh đạo các Sở NN&PTNT vùng ĐBSCL, các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, các chuyên gia quốc tế, hơn 300 nông dân của tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia sự kiện.

Mục đích của sự kiện nhằm giới thiệu và thúc đẩy nông dân và các bên có liên quan ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong thu gom rơm và các công nghệ xử lý, chế biến rơm tạo ra các sản phẩm xanh và phát thải thấp. Thúc đẩy những đổi mới trong chuỗi giá trị rơm rạ tại ĐBSCL và cả nước nói chung, cũng như mở ra hướng đi mới trong việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ bền vững.

Tại buổi trình diễn, nông dân trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” các công nghệ cơ giới hóa thu gom rơm khô, rơm ướt, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn dựa trên rơm rạ. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia và đặc biệt là nông dân trao đổi thông tin, kiến thức, thúc đẩy liên kết, hợp tác và mở rộng áp dụng công nghệ trong việc thu gom và xử lý rơm rạ, biến rơm rạ từ phụ phẩm thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể như, sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi, nhựa sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ, phân bón sinh học...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, bên cạnh nâng cao chất lượng, giá bán lúa gạo và giảm tổn thất sau thu hoạch, cần phải khai thác, phát huy tốt các nguồn phụ phẩm. Bộ NN&PTNT cũng xác định phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên cần phát huy để nâng cao giá trị, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân. Sản xuất lúa của Việt Nam đạt từ 41-43 triệu tấn/năm, theo đó lượng rơm rạ trên 40 triệu tấn/năm và ở ĐBSCL chiếm hơn 50% lượng rơm rạ cả nước. Việc trình diễn các công nghệ cơ giới hóa thu gom rơm và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp nông dân thấy được hiệu quả trong việc thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để tạo ra giá trị cao hơn so với đốt rơm trên đồng. Đây cũng là giải pháp giảm khí thải nhà kính.

Nhiều loại máy móc, công nghệ thu gom, xứ lý rơm được giới thiệu tại trình diễn.

Nhiều loại máy móc, công nghệ thu gom, xứ lý rơm được giới thiệu tại trình diễn.

Nhiều loại máy móc, công nghệ thu gom, xứ lý rơm được giới thiệu tại trình diễn.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết