Trong thử nghiệm ngày 6-1, CHDCND Triều Tiên cho biết hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mới gắn đầu đạn siêu thanh có khả năng tấn công mục tiêu xa xôi ở Thái Bình Dương, đáp ứng nhu cầu của Bình Nhưỡng mở rộng hơn nữa kho vũ khí hạt nhân chống lại thế lực thù địch.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) và con gái giám sát vụ thử hệ thống IRBM mới.
Vụ phóng tiến hành dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa đạt 2 độ cao khác nhau (99,8km 42,5km) khi bay quãng đường 1.500 km (vượt xa con số 1.100 km do quân đội Hàn Quốc đưa ra) với tốc độ gấp 12 lần âm thanh. “Đỉnh thứ hai” rất quan trọng bởi nó đồng nghĩa tên lửa có khả năng thay đổi hướng đi và duy trì độ cao chứ không chỉ rơi theo quỹ đạo đạn đạo. Tên lửa sau đó tấn công chính xác mục tiêu ở vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
KCNA cho biết, động cơ tên lửa sử dụng hợp chất sợi carbon tiên tiến còn hệ thống điều khiển bay và dẫn đường vận hành bởi phương pháp mới toàn diện, hiệu quả. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định IRBM siêu thanh mới là thành tựu quan trọng trong mục tiêu tăng cường năng lực hạt nhân, thông qua việc biến hệ thống vũ khí “không ai có thể đáp trả” thành chốt chặn của khả năng răn đe chiến lược. Đây là kế hoạch và nỗ lực tự vệ, nhưng vũ khí mới có thể thực hiện các đợt tấn công quân sự nghiêm trọng trong khi phá vỡ hiệu quả mọi hàng rào phòng thủ dày đặc, giúp Triều Tiên chặn mọi mối đe dọa an ninh khác nhau do các thế lực thù địch gây ra ở Thái Bình Dương.
Tiến bộ đang được phân tích
Những năm gần đây, Triều Tiên thử nghiệm nhiều loại IRBM mà nếu hoàn thiện có thể vươn tới căn cứ quân sự Guam của Mỹ. Triều Tiên từ năm 2021 cũng thử nghiệm vũ khí siêu thanh với tốc độ gấp 5 lần âm thanh. Trong vài tháng trở lại đây, Bình Nhưỡng kết hợp 2 vũ khí nói trên nhằm cải thiện khả năng xuyên phá lưới phòng thủ tên lửa khu vực. Nước này còn liên tiếp phô diễn hệ thống vũ khí có thể nhắm vào Mỹ và các nước láng giềng giữa lúc có nhiều lo ngại về năng lực quân sự Triều Tiên tiến xa hơn nữa nhờ công nghệ chuyển giao từ Nga. Trong cảnh báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Bình Nhưỡng đã nhận thiết bị quân sự và đào tạo của Nga. Hiện Mát-xcơ-va có ý định chia sẻ thêm công nghệ vệ tinh và vũ trụ tiên tiến với đồng minh.
Trở lại vụ phóng mới nhất, giới chuyên môn chưa rõ tên lửa liên tục bay với tốc độ mà Triều Tiên tuyên bố hay không. Theo người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Lee Sung Joon, có thể Bình Nhưỡng đã phóng đại năng lực IRBM bởi rất khó sử dụng các hệ thống như vậy ở vùng lãnh thổ tương đối nhỏ như Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, dựa trên dữ liệu Triều Tiên công bố, các nhà phân tích cho biết tên lửa mới rất đáng lo ngại vì bao gồm công nghệ hiện chỉ Nga, Trung Quốc và Mỹ sở hữu. Điểm ấn tượng về công nghệ này là để đạt tốc độ như vậy cần phải có vật liệu chịu được điều kiện khắc nghiệt. Nếu đúng như xác nhận, Bình Nhưỡng có thể phóng thử tầm bắn xa hơn và khi đạt từ 3.000 đến 5.000km, đây sẽ là mối đe dọa không chỉ cho lực lượng Mỹ ở Nhật Bản mà còn những mục tiêu xa hơn.
Thông điệp của Triều Tiên
Đây là lần phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 11-2024, khi nước này thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mà họ tuyên bố là “tiên tiến và mạnh nhất”. Vụ phóng diễn ra 2 tuần trước lễ nhậm chức Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cũng như ngay lúc Ngoại trưởng Blinken thăm đồng minh chiến lược Hàn Quốc.
Hiện ông Blinken có mặt ở Tokyo và dự kiến thảo luận với Nhật Bản các vấn đề liên quan. Trước đó, Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul đã lên án hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng và nói rõ vụ việc lần này phản ánh tầm quan trọng của việc tăng cường liên minh 3 bên với Nhật Bản. Sự kiện này cũng diễn ra trong bối cảnh chính trị tại Hàn Quốc bất ổn sau lệnh thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon Suk Yeol dẫn tới quyết định luận tội của Quốc hội.
Tình hình này cùng với việc ông Trump chuẩn bị vào Nhà Trắng, giới quan sát cho biết Triều Tiên muốn thông qua vụ phóng để phô trương sức mạnh với Mỹ, qua đó gởi đi thông điệp về việc tham gia đối thoại dựa trên công nghệ mới mang tính thay đổi cuộc chơi của Bình Nhưỡng. “Động thái này gửi thông điệp tới chính quyền mới ở Washington, rằng để tham gia đối thoại, cần phải thừa nhận lập trường chiến lược của Triều Tiên” - nhà phân tích Hong Min bình luận.
MAI QUYÊN (Theo Yonhap, AFP)