Hôm 30-9, CHDCND Triều Tiên lại tiến hành phóng thử tên lửa phòng không mới giữa thời điểm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ vẫn đang bế tắc.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về Triều Tiên. Ảnh: AP
Theo Hãng thông tấn nhà nước KCNA, tên lửa do Học viện khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển đã cho thấy “hiệu suất chiến đấu đáng kể” dựa trên “những công nghệ then chốt mới”.
Đây là vụ thử vũ khí thứ 4 của Bình Nhưỡng trong tháng 9, sau các vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hôm 28-9, Triều Tiên còn tuyên bố phóng thành công tên lửa siêu thanh mới được cho có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Diễn biến này cho thấy Triều Tiên không có ý định làm chậm tiến trình phát triển vũ khí, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong một cảnh báo, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết những hành vi như vậy có thể dẫn tới bất ổn, đe dọa an ninh khu vực. Đáp lại, Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc áp đặt “tiêu chuẩn kép”; khẳng định các vụ thử vũ khí là cần thiết trước “chính sách thù địch” của Washington.
Sách lược của Triều Tiên
Vụ phóng tên lửa phòng không mới diễn ra một ngày sau tuyên bố của Chủ tịch Kim Jong-un về việc khôi phục đường dây liên lạc với Hàn Quốc. Trong dấu hiệu cải thiện quan hệ liên Triều, ông Kim còn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán và có bước hợp tác lớn hơn với điều kiện Seoul từ bỏ “thái độ hai mặt”. Nhà lãnh đạo này đồng thời chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden “xảo quyệt” khi đề ra các bước can dự ngoại giao hòng “đánh lừa” cộng đồng quốc tế về bản chất “chính sách thù địch” của Washington.
Với các tuyên bố vừa công kích vừa bày tỏ thiện chí, một số nhà phân tích cho rằng quốc gia Đông Bắc Á có ý định chia rẽ liên minh Mỹ - Hàn trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn lập di sản ngoại giao trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới. Trong đó, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Ken Gause đánh giá cách tiếp cận hai chiều của Bình Nhưỡng mà trọng tâm là thúc đẩy quan hệ với Seoul có thể tạo đòn bẩy giục Washington giảm nhẹ biện pháp trừng phạt hoặc đổi lấy những nhượng bộ khác. Có ý kiến cho rằng Triều Tiên chìa “cành ô-liu” về phía Hàn Quốc còn vì muốn hạn chế chỉ trích của quốc tế khi Mỹ triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bàn về các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây; đồng thời củng cố sách lược của Triều Tiên trong tìm kiếm sự công nhận của quốc tế với tư cách một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhà Trắng chưa vội
Để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bị bế tắc từ năm 2019, chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần khẳng định Washington sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng không kèm điều kiện tiên quyết; ủng hộ các cam kết hợp tác và đối thoại liên Triều. Nhưng trước thái độ đủng đỉnh của Triều Tiên trong việc quay trở lại bàn đàm phán, giới phân tích cho rằng Nhà Trắng cũng không vội khi cẩn trọng đánh giá tổng thể chiến lược từ thời Tổng thống Donald Trump.
Trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã tìm kiếm thỏa thuận trên phạm vi rộng với Triều Tiên nhưng không đạt được tiến bộ nào ngoài cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Trong đánh giá chính sách hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Biden cho biết có thể thực hiện can dự ngoại giao với Bình Nhưỡng kèm theo các chính sách linh hoạt. Cách tiếp cận này khác biệt so với chiến lược “mặc cả lớn” của ông Trump hay khái niệm “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo một quan chức Nhà Trắng, mục tiêu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng Tổng thống Biden cũng thấy rõ nỗ lực của 4 chính quyền trước không đạt được điều này. Hiện có rất ít người tin rằng ông Kim sẽ chấp nhận yêu cầu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, trong khi số đông cho biết điều mà Washington có thể thương lượng lúc này là chấm dứt hành vi khiêu khích.
MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)