Nhiều người cho rằng chóng mặt là do thiếu máu não và nhớ ngay đến các sản phẩm “bổ não, tăng cường tuần hoàn não” được quảng bá trên các phương tiện thông tin và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, TS.BS Lê Văn Minh, Trưởng Khoa Y, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, khuyến cáo: Thuốc bổ não không phải là “thần dược” của chứng chóng mặt. Người bệnh cần thận trọng, tránh tiền mất, tật mang, có thể bị biến chứng suy giảm chức năng gan, thận khi uống thuốc.
Áp lực từ công việc, cuộc sống là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt. Ảnh minh họa.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến về chủ đề Chóng mặt - Những lưu ý khi chẩn đoán và điều trị, TS.BS Lê Văn Minh cho biết, chóng mặt là bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng, chóng mặt là tình trạng thiếu máu lên não, nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Vì thế, người bệnh chủ động sử dụng các sản phẩm thuốc tăng cường tuần hoàn máu đến tế bào não để dự phòng và điều trị chứng chóng mặt cũng như ngăn ngừa đột quỵ mà chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Kết quả thống kê của các nghiên cứu chuyên ngành cho thấy khoảng 80% trường hợp chóng mặt có nguyên nhân do tiền đình bên ngoài, hoàn toàn không liên quan đến thiếu máu lên não hoặc tổn thương não, gọi là chóng mặt nguồn gốc ngoại biên.
Theo TS.BS Lê Văn Minh, chuyên ngành thần kinh chia chóng mặt ra làm các nhóm: chóng mặt kiểu xoay tròn; kiểu rối loạn thăng bằng muốn té, chóng mặt muốn ngất xỉu và đặc biệt một dạng chóng mặt rất hay gặp đó là chóng mặt do tâm lý, rối loạn lâu hay stress, căng thẳng, mất ngủ.
Nhiều người chóng mặt có cảm giác như sắp bị tai biến, đầu óc xoay tròn, muốn nôn ói, không ngồi dậy được. Triệu chứng thường diễn ra đột ngột vào buổi gần sáng hay khi thay đổi tư thế vận động. Ðây là dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do thoái hóa tiền đình. Phần lớn những dạng chóng mặt này, bác sĩ thăm khám, khai thác các triệu chứng và chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc. Còn dạng chóng mặt bất thường liên quan đến bệnh đột quỵ não thường kèm triệu chứng nói khó nghe hoặc giọng nói thay đổi, tay chân yếu liệt. Bệnh nhân bị rối loạn ý thức, có dấu hiệu thay đổi nhận thức. Những trường hợp này, ngoài thăm khám, cần kết hợp các biện pháp cận lâm sàng để khảo sát mạch não, phát hiện sớm những bệnh cấp tính, kịp thời điều trị trong thời gian vàng.
Chóng mặt cũng là bệnh lý thường gặp ở người trẻ, trong độ tuổi lao động, do các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, xuất phát từ áp lực công việc và cuộc sống hiện đại. Theo TS.BS Lê Văn Minh, người bệnh có thể thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần sắp xếp công việc hợp lý, tìm các giải pháp giải tỏa áp lực tinh thần. Quá trình vận động, lưu ý các tư thế thay đổi đột ngột để tránh tái phát chóng mặt.
Quan niệm dân gian cho rằng chóng mặt do lưu lượng máu lên não bị hạn chế hoặc một lý do nào đó khiến mạch máu bị hẹp hay tắc nghẽn. TS.BS Lê Văn Minh khẳng định, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì tỷ lệ chóng mặt do hẹp mạch máu não hoặc là bệnh lý tại não chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 5-10%, nghĩa là rất là hiếm so với những nguyên nhân khác. Ðối tượng nguy cơ cao của nhóm này thường là người lớn tuổi và bị tình trạng chóng mặt kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Ngoài ra, những bệnh nhân có nguy cơ bị xơ vữa hẹp mạch máu do tiền sử hút thuốc lá hay đái tháo đường có thể dẫn đến hạn chế lưu lượng máu lên não. Tuy nhiên, các triệu chứng chóng mặt của nhóm bệnh nhân này không diễn ra cấp tính, dữ dội mà thường âm thầm, dai dẳng. Khi tiếp nhận bệnh nhân, tùy trường hợp cụ thể cũng như các yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh, bác sĩ có chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để tầm soát cho bệnh nhân.
TS.BS Lê Văn Minh cho biết, chóng mặt có nhiều nguyên nhân gây ra nên không có một loại thuốc nào để dự phòng hiệu quả. Chỉ với những trường hợp chóng mặt do hẹp động mạch nội sọ, xơ vữa mạch máu, bác sĩ chuyên khoa mới chỉ định bệnh nhân ngăn ngừa đột quỵ, ngừa tình trạng tắc mạch máu não bằng các thuốc chống đông. Những trường hợp này có thể sử dụng thuốc kéo dài, cần sự theo dõi đánh giá hiệu quả thuốc và diễn tiến bệnh.
Trên thị trường, nhiều sản phẩm được quảng cáo có công dụng tuần hoàn não, giúp điều trị hữu hiệu bệnh chóng mặt do thiếu máu lên não. Do vậy, trước khi đến với bác sĩ chuyên khoa, hầu hết bệnh nhân đều đã sử dụng thuốc và không đáp ứng điều trị. Theo TS.BS Minh, ngoài tốn kém chi phí mua các sản phẩm không phù hợp, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài còn làm chậm việc phát hiện và điều trị khẩn cấp một số bệnh lý ở giai đoạn đầu bệnh khởi phát.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG