20/02/2021 - 09:12

Tranh cãi về bình đẳng giới bùng phát tại Nhật 

Sau sự kiện Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020 từ chức vì chê phụ nữ “nói nhiều”, những tranh cãi về bình đẳng giới đã bùng lên dữ dội tại đất nước Mặt trời mọc.

Ông Mori bị chỉ trích dữ dội vì xúc phạm phụ nữ. Ảnh: Kyodo

Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo - cựu Thủ tướng Yoshiro Mori - đã tuân theo quy trình chuẩn đối với một chính trị gia Nhật sau khi đưa ra nhận xét phân biệt giới tính: rút lại bình luận, xin lỗi và phê phán truyền thông làm lớn chuyện. Ở Nhật, quốc gia được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng 121 về bình đẳng giới, bấy nhiêu đó thường là đủ và những sai lầm như vậy không làm tổn hại đến sự nghiệp của các chính trị gia. Nhưng lần này, làn sóng chỉ trích của công chúng dâng cao đến mức ông Mori phải từ chức. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có đánh dấu sự thay đổi về bình đẳng giới ở Nhật Bản hay không?

Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Olympic Nhật Bản hồi đầu tháng 2, ông Mori (83 tuổi) đã bảo rằng các cuộc họp kéo dài “gấp đôi” khi có phụ nữ tham gia. “Nếu một người giơ tay phát biểu thì tất cả những người khác đều cảm thấy họ phải làm như vậy. Rốt cuộc là ai cũng phát biểu” - ông nói. Sau bình luận này, các cuộc thăm dò cho thấy 60% công chúng Nhật nghĩ rằng ông Mori nên từ chức.

Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Ðại học Sophia, cho rằng sự kiện ông Mori từ chức là “giọt nước tràn ly” đối với vấn đề bình đẳng giới. Bà là một trong những người tổ chức cuộc bình chọn trực tuyến hàng năm về những nhận xét phân biệt giới tính nhất trong năm - và luôn có rất nhiều ứng viên bị điểm mặt. “Quá trình ông Mori từ chức rất quan trọng. Nhiều người ở Nhật đã tỏ ra bất bình, cho rằng những nhận xét của ông ấy là phân biệt giới tính và phải chịu trách nhiệm” - bà nói thêm. Yayo Okano, giáo sư tại Ðại học Doshisha ở Kyoto, cho biết thời nay, phụ nữ bày tỏ ý kiến của họ trên mạng rất nhanh - đặc biệt là thế hệ trẻ. Dù vậy, ông Mori chỉ từ chức sau khi một loạt nhà tài trợ Olympic công khai bác bỏ bình luận của ông và nữ thống đốc Tokyo từ chối gặp mặt, điều cho thấy ông sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 cho biết ứng viên được chọn làm Chủ tịch Ủy ban Olympic tiếp theo phải đáp ứng 5 yêu cầu, ngoài các vấn đề chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về bình đẳng giới.

Mặc dù chênh lệch tiền lương theo giới ở Nhật Bản đã giảm trong 15 năm qua, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá lớn. Theo bảng xếp hạng do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - gồm 36 quốc gia thành viên, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ ở Nhật là 24,5%, chỉ sau Estonia (28,3%) và Hàn Quốc (34,6%). Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu hàng năm của WEF cho biết, năm 2018, Nhật Bản xếp hạng 110 trong số 149 quốc gia về công bằng lương.

Một trong những lý do cơ bản của sự phân biệt đối xử này là do thiếu phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và trong chính trị. Trong khối OECD, Nhật Bản là nước có tầng lớp chính trị do nam giới thống lĩnh cao nhất, với tỷ lệ phụ nữ trong nghị viện chỉ 9,3%, so với mức trung bình là 28,8%.

THANH TRÚC (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết