Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm nay (2-3) bắt đầu chuyến công du Iraq 2 ngày theo lời mời của người đồng nhiệm Jalal Talabani. Đây là chuyến thăm Iraq đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Theo hãng tin Anh Reuters, mục đích chính của nhà lãnh đạo Iran trong chuyến đi lịch sử này là thúc đẩy hợp tác thương mại và tăng cường các mối quan hệ khác với Iraq, quốc gia láng giềng mà vào những năm 1980 từng trải qua cuộc chiến đẫm máu kéo dài 8 năm với Iran làm khoảng 1 triệu người thiệt mạng.
 |
Tổng thống Iraq Jalal Talabani (phải) và người đồng nhiệm Mahmoud Ahmadinejad trong chuyến thăm Tehran năm 2005. Ảnh: Static.klickr |
Đáng chú ý hơn, ông Ahmadinejad là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Trung Đông đến thăm Iraq kể từ khi người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số lên nắm quyền. Khác với Tổng thống Mỹ George Bush, người hai lần thăm chớp nhoáng Baghdad, ông Ahmadinejad thông báo cụ thể chuyến đi này từ nhiều tuần qua. Và vì thế, ông sẽ trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được chào đón trong nghi lễ trang trọng. Không những thế, trong khi ông Bush thăm Iraq không hề dám ra khỏi “Vùng Xanh” được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, hoặc trong căn cứ quân sự Mỹ tại tỉnh Anbar, thì Tổng thống Iran thông báo trước kế hoạch thăm hai thành phố lớn của người Hồi giáo dòng Shiite là Barbala và Najaf. Có lẽ ông Ahmadinejad tin rằng người Iraq hoan nghênh chuyến thăm này của mình.
Trước chuyến công du của Tổng thống Ahmadinejad, báo chí Iran cho biết nước này sẽ viện trợ 1 tỉ USD cho Iraq thông qua các dự án phát triển do các công ty Iran cung cấp trang thiết bị. Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Alireza Sheikh-Attar, cho biết hai bên sẽ thảo luận việc tránh đánh thuế hai lần, thành lập tổ hợp liên doanh xây dựng đường ống dẫn dầu từ Iraq sang Iran. Một quan chức Iraq cho biết đường ống dẫn dầu từ Basra (Nam Iraq) sang cơ sở lọc dầu tại Abadan (Tây Nam Iran) sẽ giúp vận chuyển 100.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Ngoài ra, hai bên sẽ bàn bạc khả năng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, sản xuất xi-măng, chế tạo xe hơi, hóa dầu, vải sợi, thực phẩm và nông nghiệp. Nếu những hợp đồng kinh tế và đầu tư mới được ký kết thì kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng mạnh so với mức 8 tỉ USD/năm hiện nay.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của ông Ahmadinejad chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa chính phủ và nhân nhân hai nước láng giềng với đa số dân theo dòng Hồi giáo Shiite, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của một Iran đang bị phương Tây cô lập vào một Iraq bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Nhà bình luận Iran Amir Mohebian nhận xét: “Tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq là quá rõ ràng, nên nếu Mỹ muốn duy trì an ninh ở Iraq thì phải có mối quan hệ tốt hơn, thay vì thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống Tehran”.
PHÚC NGUYÊN (Theo Reuters, McClatchy, LA)