22/02/2020 - 17:28

Trận địa nhỏ cho các thế lực lớn

Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc nội chiến tàn phá và đẫm máu kéo dài 9 năm qua tại Syria chỉ còn mặt trận tỉnh Idlib vẫn nằm trong tay lực lượng phiến quân. Idlib là một trong 14 tỉnh của Syria, nằm tại Tây Bắc, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Diện tích của tỉnh lỵ giàu có này khoảng 6.000 km², nơi có cơ sở hạ tầng quân sự mạnh và kiên cố.

Trận địa Idlib thật ra đã bắt đầu nóng bỏng từ năm 2018. Do đó, trong năm này, Nga (đồng minh chủ chốt của Chính phủ Syria) và Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria) đã ký kết thỏa thuận thiết lập “các vùng giảm căng thẳng” tại Idlib. Thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập 12 trạm giám sát tại đây.

Tuy nhiên, khi quân đội Syria được sự hỗ trợ của Nga và Iran từng bước đánh bại các lực lượng nổi dậy và giành lại quyền kiểm soát tất cả các mặt trận khác, Idlib trở thành mục tiêu cuối cùng của Chính phủ Syria nhằm sớm kết thúc nội chiến khốc liệt và thống nhất đất nước. Sự rút lui của quân đội Mỹ tại Đông Bắc Syria từ cuối tháng 10 năm ngoái cũng là cơ hội để liên minh Nga-Syria quyết tâm dẹp loạn Idlib.

Trong khi đó, Ankara lo ngại cuộc chiến tại Idlib sẽ khiến 2 triệu người Syria tại vùng Tây Bắc tràn sang biên giới, tạo thêm áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang “chứa” hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria từ sau cuộc nội chiến khởi phát năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng các trại tị nạn bên trong “vùng an toàn” khoảng 30-35km ở Syria nhằm đón tiếp người dân nước này đến tạm cư. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 21-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi Paris và Berlin hỗ trợ “cụ thể” để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib.

Không chỉ vấn đề nhân đạo, mục đích của ông Erdogan là thúc giục Pháp và Đức can dự vào Syria, qua đó gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Syria. Trên thực tế, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ các báo cáo “sai sự thật” của Thổ Nhĩ Kỳ rằng có hàng trăm ngàn người Syria phải rời khỏi tỉnh Idlib, đồng thời hối thúc Ankara cho phép người dân tỉnh này được tới các khu vực khác trên lãnh thổ Syria. Tuy vậy, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Nga đang thảo luận khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức. Trong ngày 20-2, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng đã điện đàm với ông Putin, bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng bạo lực tại Idlib, đồng thời hối thúc sớm chấm dứt cuộc xung đột tại đây. 

Bên cạnh nỗ lực ngoại giao tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã “ngỏ lời” Mỹ triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới khu vực biên giới để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm ẩn từ Syria. Các quan chức Mỹ, trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford thời gian qua đã liên tục kêu gọi Tổng thống Donald Trump can thiệp vào tình hình chiến sự Idlib. Báo chí Mỹ dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết đã có hơn 900.000 ngàn người Syria tại Idlib chạy lánh nạn từ tháng 12 năm ngoái và còn 4 triệu dân thường đang sinh sống ở đây. Hiện Mỹ vẫn duy trì 750 binh sĩ tại miền Đông Syria nhằm bảo vệ các cơ sở dầu mỏ do người Kurd quản lý vốn từng rơi vào tay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Những tháng qua đã có vài vụ chạm trán nhỏ giữa lực lượng Mỹ và Nga, Syria tại khu vực. Khoảng 15 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 50 lính Syria thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và không kích. Ankara đã đưa hàng ngàn quân cùng nhiều trang thiết bị quân sự hạng nặng sang Idlib hỗ trợ cho khoảng 50.000 tay súng do họ đào tạo và trang bị nơi đây. Tỉnh Idlib nói chung và lực lượng phiến quân nơi đây được Ankara kỳ vọng là lá chắn thép ngăn ngừa các tay súng người Kurd từ miền Bắc Syria xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ổn an ninh. 

Chiến địa nhỏ và cuối cùng tại Idlib rõ ràng không đơn thuần là vấn đề nhân đạo mà còn bởi vị thế chiến lược cho các thế lực lớn đã và sẽ chứng tỏ mình nhảy vào. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres có lý do để lo sợ rằng xung đột tại Idlib “có thể kết thúc bằng một cuộc tắm máu”.

KIẾN HÒA

 

Chia sẻ bài viết