22/01/2009 - 10:20

Trái tim khoai lúa

Châu Lan

Yuk Gwang Ki quỳ xuống nhẹ nhàng nhổ gốc rạ vàng khô trên cánh đồng lúa mới gặt. Mỗi ngày, anh chăm sóc những mầm sống yếu ớt để mang về những mùa vui. Gia đình Yuk đã canh tác trên mảnh đất này 400 năm nay, dù vậy anh có vẻ vui lắm khi nói rằng gia đình anh có thể tiếp tục công việc này trong 400 năm nữa. “Mục đích của nghề nông không phải là để kiếm tiền, mà là để bảo tồn lối sống của người Hàn Quốc”-Yuk nói. Những dòng này được Michael Schuman viết trên Tờ Time Bonus Section

*

* *

Ông Hai Triễm (Võ Ngọc Triễm), chuyên gia nhân giống lúa thơm- từng mệnh danh là “Vua lúa”, nhưng giang sơn của “vì Vua” ấy là cánh đồng và ông Vua như “cỗ máy nắng sương” bỗng giật mình khi ai đó hỏi: Có bao giờ anh “bảo trì sức khỏe” của mình? “Làm không xuể phải thuê thêm người làm, nhưng làm thí chứ chẳng nghĩ gì tới sức khỏe, được nhắc nhở thì lo bảo hộ lao động là dữ lắm rồi. Có muốn làm hơn nữa thì không biết lấy tiền đâu mà tính”. Vua lúa “te tua” có nhiều lý do, nhưng điều mà ông hiểu rõ nhất là sức khỏe khi qua dốc đứng.

Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn ra đồng để cùng chia sẻ
“nỗi niềm khoai lúa” với nhà nông. Ảnh: THANH PHÚC 

Ngày 31-12-2007, chuyên gia nhân giống Hai Triễm rời Công ty cổ phần bảo vệ thực vật (CP BVTV) An Giang về hưu, nhận bảo hiểm xã hội và lương hưu. “Lần đầu một nông dân được bảo hiểm xã hội”- Ông cười tỏn tẻn, nói. Ông được tính BHXH từ ngày 1-7-1999 đến cuối tháng 12-2007. Tháng giêng năm 2008, Hai Triễm được mời lại ký hợp đồng làm chuyên gia nhân giống thời hạn 3 năm, lương ở vào mức phải chịu thuế thu nhập. Hai Triễm vui trong bụng, nói: “Làm gì thì cũng là gốc nông dân, ở nhà buồn lắm. Anh Thòn biết tui ngứa tay ngứa chân nên gọi đi làm. Hồi trước cũng vậy, ảnh giải cứu, nhưng lần nầy hơi căng vì sức mần việc, suy nghĩ của mình không còn sung như trước nữa”.

Ông Huỳnh Văn Thòn, người lập ra Quỹ chăm sóc sức khỏe nông dân, nói: “Tôi suy nghĩ ra việc này cách đây 6 năm. Lúc đó đi công tác trong nông thôn mới thấy hình như không ai lo chuyện này. Nghĩ vậy thôi chứ làm cái gì thì thật tình chưa nghĩ ra. Sau đó, tôi lập quỹ chăm sóc sức khỏe nông dân 11 tỉ đồng. Mỗi năm khám, chữa bệnh 50 lần, mỗi lần khoảng 1.000 người. Tới nay đã khám cho 200.000 người rồi. Nhưng suy cho cùng với cơ số thuốc và số lần khám bệnh như vậy vẫn chưa ăn thua. Thôi thì cứ làm cho nhẹ lòng mình. Bí quá không biết phải làm gì thì làm cái này”.

Câu chuyện chăm sóc sức khoẻ nông dân có rất nhiều tình tiết, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống hiển hiện trong những làng mạc. Những câu chuyện minh chứng nông dân mình không có tiền, không có thông tin, yếm thế, mặc cảm và sợ khám bệnh sẽ lòi ra một đống bệnh... là câu chuyện có thật. Nó cứ âm ỉ, chôn chặt trong những cuộc đời lúa khoai. “Đoàn khám bệnh đâu có máy móc gì tối tân. Chỉ có tấm lòng của đoàn y bác sĩ làm việc thiện nguyện. Có bữa hết giờ vẫn có người xin khám, các y bác sĩ vẫn khám. Lúc đó lại có thời gian để hỏi han, trò chuyện với nông dân, người có bệnh cũng thoải mái nên “khai” hết. Các thầy thuốc mới biết được hoàn cảnh sinh sống, lao động và những sát thủ thầm lặng đang đeo bám người nhà quê. Một nhà thiện nguyện kể: “Có chị dưới quê đau theo cách hiểu là mắc đàng dưới. Các thầy thuốc hỏi riết thì định bệnh phụ khoa, chỉ cần biết cách giữ gìn vệ sinh, cho thuốc uống, tốn chừng 5-6 chục ngàn là hết bệnh. Sau này chị thú thiệt bệnh này làm “ổng” hổng mấy gì vui. Bây giờ thì vui rồi”.

*

* *

Sinh ra trong thời đất nước chiến tranh, 9 tuổi theo bộ đội kháng chiến, 13 tuổi là học sinh miền Nam trên đất Bắc. Hòa bình lập lại là những ngày đèn sách ở Sài Gòn. Những tưởng châu thổ là dĩ vãng như không ít người đã vội vã rũ bỏ cuộc sống lúa khoai khi bước về thành phố. Giữa ông Thòn và Yuk có gì giống nhau? Nét tương đồng văn hóa (homogenisation)? Có lẽ điểm giống nhau giữa họ là một nền văn minh cơm gạo, nhưng Yuk chỉ nghĩ tới vùng lúa Jangsu, xứ Hàn còn ông Thòn đang muốn vượt ra khỏi quỹ đạo suy nghĩ được vẽ sẵn, cảm thấu cuộc đời lúa khoai.

“... Ông Thòn đang muốn vượt ra khỏi quỹ đạo suy nghĩ được vẽ sẵn, cảm thấu cuộc đời lúa khoai”. “Có lẽ lối suy nghĩ ấy đã biến ông trở thành người anh hùng của thời kỳ đổi mới”.

Năm rầy dậy giặc, ông Tổng Giám đốc Công ty CP BVTV An Giang (AGPPS) dám xé rào mở cửa kho bán chịu cho nông dân. Người ta đồn phen này ông Thòn phải lột da lưng viết kiểm điểm, nhưng cái lý lẽ: “Tôi sinh ra từ nông thôn, hiểu nỗi thống khổ này, làm cho bà con có lợi thì không đời nào họ bỏ mình. Bà con nông dân nuôi mình lớn thì đây là lúc trả nghĩa. Nông dân mất mùa, mình cũng chết...”. Xem chừng có sức thuyết phục. Nhưng nếu lý lẽ ấy không được chứng minh bằng doanh số: 1.500 tỉ đồng, 1.670 tỉ đồng trong những năm sau đó thì ông chết chắc. Trái tim khoai lúa của ông như có “quới nhơn” phù hộ, mọi người nhẹ nhõm nhìn ông lèo lái con thuyền AGPPS. Cuối năm 2007, một người bạn già kể: AGPPS ra tới ngoài Bắc, làm việc với chi nhánh của AGPPS tại tỉnh Thái Bình, quê hương bài ca 5 tấn, vị trưởng chi nhánh Thái Bình báo cáo năm 2007 thất thu. Ông Thòn tròn mắt bảo: “Không lẽ người bán hòm lại mong người ta chết hoài để được việc?! Không có sâu bệnh, bà con không phải xài thuốc trừ sâu, giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập... Mình phải mừng chứ!”. Có lẽ kiểu nói ngược ngạo đời sống của một doanh nghiệp và lối suy nghĩ ấy đã biến ông trở thành người anh hùng của thời kỳ đổi mới. Ông nói: “Làm được mấy việc, nhưng đôi lúc tôi chợt nhận ra một điều: Mình chỉ làm theo quán tính. Phải tái cấu trúc lại công ty, phải xây dựng chiến lược phát triển, lựa chọn mô hình phù hợp”. Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn đã từng “lột xác” doanh nghiệp với số vốn khởi nghiệp 3 tỉ đồng, 10 tỉ đồng và lần lột xác thứ ba để “trở thành nhà phân phối hàng đầu ở Đông Dương” cũng là ý tưởng dễ hiểu ở con người máu lửa này.

Cũng có lúc trong cuộc hành trình, lột xác ấy khiến ông dừng lại. Nhịp cầu nhà nông đã qua 200 kỳ phát sóng, lộ trình nối dài 8 năm. Một cuộc hành trình của những người ý thức trách nhiệm xã hội dẫn dắt nông dân qua khỏi những chặng đường chông gai bằng sóng truyền hình. Ông hỏi: “Đi tiếp hay dừng?”. Nắng hạn, mưa lũ, lúc thóc cao gạo kém, sâu bệnh hoành hành... những cuộc đồng hành, phát hiện những rủi ro cảnh báo để những nông dân tránh né. Đồng cảm với những lo toan, những số phận những cuộc đời một nắng hai sương đã biến nhịp cầu nhà nông thành một cuộc đời, vui khi bội thu và nặng lòng khi bất lợi. Dừng nhịp cầu là một câu hỏi không dễ trả lời.

Hỏi để tìm câu trả lời mới mẻ chứ thực ra cuộc hành trình ấy càng dữ dội hơn khi ông mở ra chương trình “Cùng nông dân ra đồng”. Hàng trăm kỹ sư tỏa ra các tỉnh đồng bằng và miền Đông cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, để biến họ thành những người tự kiểm soát dịch hại bằng kiến thức chứ không phải chỉ biết xịt thuốc là xong. “Chăm lo lợi ích xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai” trở thành triết lý của AGPPS, bắt đầu từ trái tim khoai lúa.

Nước cuối mùa lũ ở châu thổ sông Mekong, những cánh đồng ngập nước. Người ta nói, nước rút thì quân của ông Thòn lại ra đồng. Đội quân đó mang trong mình cái gì na ná với điều Yuk nói: “Không phải là để kiếm tiền mà là để bảo tồn lối sống”.

Chia sẻ bài viết