08/03/2012 - 20:53

Trải nghiệm thú vị từ những chuyến đi thực tế

Các sinh viên lớp Sư phạm Địa lý K.35, Trường Đại học Cần Thơ, tham quan làng Gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận. Ảnh: CTV

Trong suốt khóa học, các sinh viên Trường Đại học Cần Thơ có từ 1-2 chuyến thực tế ngoài trường tùy theo từng chuyên ngành. Những chuyến đi xa không chỉ để lại nhiều kỷ niệm đẹp mà đa số sinh viên đều cho rằng bản thân cảm thấy trưởng thành, vững vàng hơn sau những trải nghiệm thú vị...

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, những sinh viên năm thứ 3 lại háo hức chuẩn bị cho hành trình dọc đường đất nước. Mỗi điểm du lịch, di tích lịch sử ghé qua thường ghi lại dấu ấn đặc biệt trong lòng các bạn. Huỳnh Thị Thúy Diễm, sinh viên Lớp sư phạm Lịch sử K.35, chia sẻ: “Em rất thích tìm hiểu về vương triều Tây Sơn. Khi đến Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), tận mắt ngắm nhìn những di vật, được nghe thuyết minh, em càng hiểu rõ và khâm phục hơn về sự can trường của anh em nhà Tây Sơn, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc”. Trước khi đến Bình Định, Diễm và các bạn chung lớp đã đến kinh thành Huế. Ở đây, 9 khẩu thần công đặt sau cửa kinh thành đã gây ấn tượng mạnh mẽ với cô bạn. Bởi những khẩu thần công này được vua Gia Long cho đúc từ binh khí thu được của quân Tây Sơn sau khi lật đổ vương triều này. Diễm bộc bạch: “Lúc ở kinh thành Huế, em tham quan Thế Miếu, nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu từng cái đỉnh mới biết một trong số đó đã khắc họa về Biển Đông như một sự khẳng định về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Diễm và nhiều sinh viên ngành Lịch sử đều cảm thấy bồi hồi, thêm yêu quê hương và cho biết đây là những tư liệu bổ ích để các bạn bổ sung, làm cho bài giảng của mình sau này phong phú hơn.

Nguyễn Việt Tân, sinh viên Lớp sư phạm Địa lý K.35 cũng rất hào hứng khi kể về hành trình xuyên Việt của mình. Tân cho biết: “Tôi được học nhiều về các loại địa hình nhưng chỉ khi đến Phú Yên, vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng,.. tôi mới hình dung được sự khác biệt giữa các loại địa hình. Chuyến đi giúp tôi bổ sung thêm kiến thức về kinh tế - xã hội từng vùng miền”. Bên cạnh đó, hình ảnh tư liệu do Tân chụp được trong quá trình thực tế đã trở thành những tư liệu quý giá cho việc học tập hiện tại. Phan Bích Trân, Lớp Hướng dẫn viên du lịch A2 K.36 thì ấn tượng với địa đạo Củ Chi. Trân chia sẻ: “Khi đi sâu xuống những đường hầm chật hẹp em mới hiểu hết sự gian lao, vất vả của các thế hệ cha anh trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Em nghĩ sau này khi theo nghề em sẽ đủ sức truyền lửa cho khách tham quan”. Sau chuyến đi, kỹ năng thuyết trình và quản trò của Trân cũng nâng lên rõ rệt, bởi lần đầu tiên Trân được đứng tại các địa điểm du lịch để thực hành hướng dẫn cho du khách (là các bạn chung lớp). Trân cho biết: “ Khi đứng trước những khung cảnh đẹp, di tích lịch sử, em thấy những gì học ở trường thật gần gũi. Em còn một chuyến đi xuyên Việt nữa, hy vọng những trải nghiệm sắp tới sẽ giúp em đủ tự tin theo nghề đã chọn...”.

Do chương trình đào tạo của trường là theo tín chỉ nên hầu như sinh viên các lớp ít có cơ hội học chung với nhau. Chuyến đi thực tế đã thật sự đưa các bạn lại gần nhau hơn nhờ những ngày sống cạnh nhau. Lê Xuân Vũ, Lớp sư phạm Ngữ văn 2 K.35, bộc bạch: “Có những chuyện khi ở trường tụi em không có thời gian tâm sự với nhau. Trong chuyến đi, tụi em có dịp trò chuyện và hiểu nhau hơn, nhiều bạn đã bớt đi tính ích kỷ, biết “mình vì mọi người” hơn”. Nhờ chuyến đi mà Vũ và một người bạn trước đây hiểu lầm nhau nay đã thân thiết trở lại. Thúy Diễm thì nhớ như in hai lần cả lớp cùng hì hục phụ bác tài xế thay bánh xe. Còn với Tân, cứ nhớ đến không khí buổi giao lưu văn nghệ và cùng tham gia các trò chơi vui nhộn với các sinh viên ở Đại học Sư phạm Hà Nội, lòng Tân còn thấy rộn ràng. Sinh viên Trần Văn Thông cho biết thêm: “Hồi trước, thấy người nước ngoài em nhát lắm, rất ngại giao tiếp với họ. Trong chuyến đi thực tế, được trò chuyện với một số du khách nước ngoài, em trở nên dạn dĩ hơn. Em thấy việc tổ chức các chuyến đi thực tế trong chương trình học rất là bổ ích, thiết thực, cần phát huy...”.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết