02/09/2009 - 20:01

TP Cần Thơ "thăng hạng" trong mắt nhà đầu tư

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch vào TP Cần Thơ vừa qua cho rằng: TP Cần Thơ vừa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương và nhiều công trình hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay quốc tế, cầu - đường giao thông... trên địa bàn sắp hoàn thành là điều kiện thuận lợi để TP Cần Thơ đẩy mạnh thu hút đầu tư...

VỊ THẾ ĐÃ KHÁC

Trong những ngày này không khí lao động trên công trường cầu Cần Thơ thật khẩn trương. Hàng chục triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dõi mắt chờ mong công trình hoàn thành kịp đưa vào sử dụng vào đầu năm 2010.

Đến tham quan công trình này, ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khu vực phía Nam, cho rằng: “Khi có cầu Cần Thơ, thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ sẽ được rút ngắn hơn nữa. Việc vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi hơn so với phải đi bằng phà như hiện nay”. Theo lãnh đạo UBND TP Cần Thơ từ nay cho đến hết năm 2012, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn như cảng Cái Cui giai đoạn 2, Sân bay quốc tế Cần Thơ, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, quốc lộ Nam sông Hậu, đường cao tốc TP Cần Thơ - Trung Lương, đường nối TP Cần Thơ - thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đường Bốn Tổng - Một Ngàn... cũng lần lượt đưa vào sử dụng, khi ấy cơ sở hạ tầng của địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Các nhà đầu tư ký hợp đồng ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch vào TP Cần Thơ năm 2009.

Theo số liệu thống kê năm 2008, TP Cần Thơ đã có những đóng góp quan trọng cho vùng ĐBSCL như: đóng góp 10,9% giá trị GDP toàn vùng; tăng trưởng kinh tế bình quân 15,64% cao hơn bình quân của toàn vùng 3,28%; thu nhập bình quân đầu người đứng đầu toàn vùng; tổng vốn đầu tư trên địa bàn chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư toàn vùng. Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm là giao điểm của chuỗi hành lang đô thị Bắc Nam qua TP Hồ Chí Minh và hành lang đô thị dọc sông Mê Công, có hạ tầng cơ sở tương đối tốt so với nhiều địa phương trong khu vực, đây là lợi thế so sánh để thu hút đầu tư. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nhận xét: Qua khảo sát trong những năm gần đây cho thấy sức mua của cả vùng ĐBSCL luôn chiếm trên 20% tổng mức bán lẽ hàng hóa của cả nước, điều này khẳng định tiềm năng thương mại của khu vực này rất lớn. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 4,6%, TP Cần Thơ đang đứng thứ 3 về thu hút FDI trong khu vực. Với nguồn nhân lực dồi dào, nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến phong phú, TP Cần Thơ có lợi thế rất lớn trong phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến. Thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ thu hút vốn FDI trong thời gian tới.

TRONG “TẦM NGẮM” CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Ông Simon Wong Wie Kuen, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, cho biết: Nhân dịp dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Cần Thơ, ông đã được lãnh đạo TP Cần Thơ chiêu đãi rất nhiều món ăn thật ngon, đặc biệt là gạo Cần Thơ rất thơm, dẻo không thể quên. Buổi tối ông đã đi dạo phố và uống cà phê ở khu vực Bến Ninh Kiều và nhận thấy rằng TP Cần Thơ thật đẹp, không khí trong lành, người dân rất thân thiện, hiếu khách, đặt biệt là trật tự trị an rất tốt. Tất cả những điều tuy bình thường đó đã cho thấy TP Cần Thơ thật gần gũi. “Nhà đầu tư nước ngoài được sinh sống và làm việc tại Cần Thơ sẽ là một điều thật thú vị. Chúng tôi thường nói vui: Nhà đầu tư có cái lỗ mũi rất nhạy, nơi nào có cơ hội đầu tư tốt thì họ sẽ tự đến, tin rằng, Cần Thơ không phải chờ đợi lâu nữa mà sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư Singapore đến đầu tư tại đây. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ tổ chức cho đoàn cán bộ cấp cao và đoàn doanh nghiệp Singapore đến giao lưu và tìm cơ hội đầu tư tại Cần Thơ” - ông Simon Wong Wie Kuen nói.

Ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Hoàng Đạo Hải, Tổng Giám đốc INDOCHINA và ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phú Quốc Land đều cho rằng, Việt Nam còn nhiều khoảng trống trong phát triển du lịch, ĐBSCL có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, để có sản phẩm du lịch tốt thì điều đầu tiên là phải có những dự án bất động sản du lịch đạt chuẩn quốc tế và đội ngũ phục vụ du lịch chuyên nghiệp. Riêng Cần Thơ khi đã là đô thị trung tâm, là một trong nhóm 4 tỉnh thành then chốt của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL thì không thể thiếu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, khu vui chơi giải trí cao cấp...

Theo ông Yoshida Sakae, Giám đốc JETRO khu vực phía Nam: Thông thường nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài chỉ chọn nơi đã có dự án của doanh nghiệp đồng hương đầu tư, do đó mà từ trước đến nay nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đầu tư tập trung vào 2 cực là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. TP Cần Thơ muốn thu hút được nhà đầu tư Nhật Bản đến nhiều hơn thì trước hết phải mời gọi được các doanh nghiệp Nhật Bản “đầu đàn”. Khi đó, các doanh nghiệp khác của Nhật sẽ nối gót theo, vì người Nhật có tính cộng đồng trong làm ăn.

Qua Hội nghị Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch lần này, TP Cần Thơ cũng đã ký kết ghi nhớ đầu tư 10 dự án và 3 thư hợp tác với tổng số vốn dự kiến gần 3 tỉ USD. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư vào địa bàn chậm triển khai đều do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư. Để khắc phục tình trạng này, TP Cần Thơ đang triển khai nhiều khu đô thị tái định cư nhằm chuẩn bị sẵn suất tái định cư để bố trí cho các dự án. Với sự chuẩn bị này, TP Cần Thơ có thể hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng một cách nhanh chóng khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến với TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: HUỲNH VĂN

Bài, ảnh: HUỲNH VĂN

Chia sẻ bài viết