14/03/2010 - 10:03

Tổng thống Sarkozy trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm

Tất cả các cuộc khảo sát dư luận trước bầu cử đều dự báo một kết quả tệ hại cho UMP. Đảng bảo thủ này sẽ khó đạt được mục tiêu giành lại quyền kiểm soát một số vùng do phe cánh tả nắm giữ kể từ cuộc bầu cử năm 2004. Ngay cả một trong hai vùng “lãnh địa” của mình là Corsica (cùng với Alsace), UMP cũng có thể mất quyền kiểm soát. Đảng Xã hội, từng giành thắng lợi ở 20 trong số 22 khu vực ở Pháp năm 2004, có thể kiểm soát toàn bộ các vùng sau cuộc bầu cử lần này.

 

Tổng thống Nicolas Sarkozy đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ảnh: AFP 

Tổng thống Sarkozy đắc cử năm 2007 với cam kết sẽ đưa nước Pháp thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài và cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp còn một nửa, bằng cách giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và đưa ra nhiều chính sách thị trường tự do. Ông tuyên bố ưu tiên trong năm 2010 là thúc đẩy kế hoạch cải tổ hệ thống lương hưu do nhà nước điều hành. Đây là vấn đề nóng ở Pháp, từng gây ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn và khiến một số chính phủ sụp đổ trong quá khứ. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế năm ngoái và tình trạng thất nghiệp tăng mạnh đã buộc ông Sarkozy thay đổi sách lược và kêu gọi sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước. Do vậy, thất bại của các ứng viên UMP có thể sẽ dẫn tới sự hoài nghi trong nội bộ UMP về vai trò lãnh đạo của ông Sarkozy. Trước nay, tất cả thành viên UMP ủng hộ ông Sarkozy vì đã lãnh đạo họ giành thắng lợi trong bầu cử, còn sau cuộc bầu cử hứa hẹn thất bại này, niềm tin có thể đổi khác.

Martine Aubry, Chủ tịch đảng Xã hội đối lập, cho rằng cánh tả phải thắng ở tất cả các khu vực để đánh bại UMP và buộc ông Sarkozy điều chỉnh tất cả các dự án của ông theo hướng cũ. Trong khi đó, nhiều nỗ lực lôi kéo cử tri của ông Sarkozy chẳng đem lại kết quả gì. Vài tháng trước bầu cử, ông Sarkozy có ý định tăng trợ cấp cho nông dân để thu hút cử tri, nhưng bị Hội đồng Hiến pháp phủ quyết. Theo các nhà phân tích, trợ cấp nông nghiệp có thể vực dậy tinh thần của nông dân vì giá lương thực giảm mạnh, nhưng nhiều người cho rằng khoản trợ cấp của ông Sarkozy là không đủ và quá trễ.

Chính quyền các vùng ít có quyền hành ở Pháp, với tổng ngân sách cộng lại khoảng 30 tỉ euro (41 tỉ USD)/năm, chưa tới 3% tổng chi tiêu công hằng năm của Pháp. Vì vậy, cuộc bầu cử này được xem là cuộc trưng cầu dân ý giữa nhiệm kỳ đối với Tổng thống Sarkozy và chính phủ của ông cũng như các chính sách mà ông theo đuổi. Nếu UMP thất bại sẽ là thách thức lớn đối với ông, trong bối cảnh gia đình ông đang đối mặt với “nghi án ông ăn chả, bà ăn nem”. Sau hơn nửa nhiệm kỳ nắm quyền, hiện tỷ lệ dân chúng ủng hộ ông giảm còn dưới 40%.

N. MINH (Theo WSJ, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết