21/07/2019 - 08:32

Tổng thống Mỹ muốn giúp giải quyết căng thẳng thương mại Nhật - Hàn 

Ngày 19-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu cần thiết, ông sẵn lòng giúp giải quyết tình hình căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump thừa nhận việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có lời đề nghị như vậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

 Tổng thống Trump nói: “Ông Moon đã nói với tôi rằng có nhiều căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến vấn đề thương mại. Nhật Bản có những sản phẩm mà Hàn Quốc muốn và ông Moon đã đề nghị tôi can dự. Có thể tôi sẽ hỗ trợ nếu cả hai nước đều đưa ra đề nghị”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định Tokyo sẽ triển khai “các biện pháp cần thiết” chống lại Hàn Quốc nếu lợi ích của các công ty Nhật Bản bị tổn hại trong cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt giữa hai nước về vấn đề lao động thời chiến.  Phát biểu sau khi triệu tập Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Nam Gwan-pyo, ông Kono cho biết Tokyo đang chuẩn bị triển khai “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty Nhật Bản, song ông không cho biết thêm thông tin chi tiết.

Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định hành động mà Chính phủ Hàn Quốc thực hiện, làm đảo lộn trật tự của cộng đồng quốc tế kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, đồng thời hối thúc Seoul ngay lập tức hành động để chấm dứt quá trình kiện tụng tại tòa án, theo đó các bên nguyên đơn của vụ kiện đang chuẩn bị tịch thu tài sản của các công ty Nhật Bản, trong đó có tập đoàn Mitsubishi Heavy Industry.

Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản phát sinh từ các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Thế chiến thứ hai. Dù Nhật Bản luôn cho rằng vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhưng các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Tháng 1-2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.

  Từ ngày 4-7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn để lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.

Để trả đũa, người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản. Theo Hiệp hội các siêu thị Hàn Quốc (KMA), có hơn 200 siêu thị và cửa hàng tạp hóa tại nước này đã tự nguyện rút tất cả các sản phẩm của Nhật Bản ra khỏi kệ hàng của họ. Một số chủ cửa hàng và siêu thị này cho biết họ sẽ không thay đổi quyết định của mình bất chấp doanh số bán có thể bị sụt giảm từ 10-15%.

Một mặt hàng của Nhật Bản dễ dàng bị đưa vào “tầm ngắm” chính là bia. Số liệu thống kê của Euromonitor cho thấy người Hàn Quốc mua tới 61% lượng bia xuất khẩu của Nhật Bản với tổng giá trị vào khoảng 7,9 tỉ yen (73,13 triệu USD) trong năm 2018. Asahi Super Dry là thương hiệu bia Nhật Bản phổ biến nhất tại Hàn Quốc  với doanh số tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm qua.

Việc hủy các tour du lịch sang Nhật Bản cũng đang trở nên phổ biến. Công ty lữ hành Hanatour cho biết họ hiện chỉ nhận được 500 lượt đặt tour du lịch sang Nhật Bản mỗi ngày, giảm mạnh từ mức trung bình 1.100 lượt trước đó.

Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không có động thái trả đũa nào, mà chỉ khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Vụ trưởng Vụ Chính sách quản lý thương mại thuộc Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc Lee Ho Huyn  hôm 19-7 đã chính thức đề xuất Nhật Bản cùng tiến hành một phiên họp cấp chuyên viên vào ngày 24-7 tới sau khi cuộc thảo luận hôm 12-7 giữa giới chức hai bên về căng thẳng thương mại gần đây chưa khơi thông được thế bế tắc.

 P.V (Theo  TTXVN)

Chia sẻ bài viết