Từ đầu tháng 6-2019 đến nay, vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tôm thẻ nguyên liệu đang giảm giá mạnh khiến người nuôi tôm lo âu, mức lãi giảm dần. Đến bao giờ giá tôm sẽ tăng trở lại?
Tôm rớt giá, thu hoạch tôm thẻ cỡ nhỏ càng không có lãi.
Nhiều bất lợi
Trong gần 2 tuần qua, khi lượng tôm thu hoạch bắt đầu tăng lên là lúc tôm nguyên liệu dồn về các nhà máy chế biến thủy sản nhiều thêm, giá giảm xuống thấp. Người dân nuôi tôm vùng bán đảo Cà Mau bán tôm qua thương lái tại ao, loại tôm thẻ cỡ nhỏ bình quân 75.000 đồng/kg (100 con/kg), tôm cỡ 70 con/kg giá khoảng 85.000 đồng/kg, giảm bình quân khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối tháng 5-2019. Với mức giá này, người nuôi tôm có chăm sóc tốt, nuôi trúng mùa vẫn chưa chắc có lãi.
Theo các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản trong vùng, nguyên nhân giá tôm giảm do vụ tôm trong nước thu hoạch cùng thời điểm mùa vụ thu hoạch tôm của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tôm từ Ấn Độ tồn kho còn dồi dào đang chào bán giá rẻ. Mặt khác, còn có một yếu tố tác động đến thị trường tôm nguyên liệu là sau khi có thông tin về sự kiện Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú), còn được gọi là "Vua tôm Việt" - dẫn đầu các doanh nghiệp về kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam, bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá ở Mỹ, rằng Minh Phú đang nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, nước phải chịu thuế chống bán phá giá, sau đó bán lại tôm đó cho Mỹ dưới dạng sản phẩm của Việt Nam được miễn thuế.
Nguồn tin trên được cho là xuất phát từ một bài báo bình luận về một thư điện tử (email) của một nghị sĩ Mỹ (bang Illinois) gởi phản hồi lên cơ quan chức năng của Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay phía cơ quan chức năng Mỹ chưa lên tiếng gì về vụ việc này. Sau đó, Công ty Minh Phú đã phản bác thông tin gây bất lợi, tổ chức họp báo giải trình, xác nhận Minh Phú có nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng số lượng rất nhỏ, khoảng 10% so tổng lượng xuất và tái xuất không vào thị trường Mỹ. Đồng thời, Công ty Minh Phú cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hay thông báo nào từ cơ quan chức năng của Mỹ.
Dù vậy, từ thông tin sự kiện này cũng có phần tác động khách quan khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm. Theo các DN xuất khẩu thủy sản trong vùng, giá tôm có thể còn ở mức thấp kéo dài đến khoảng đầu quý IV-2019 mới hồi phục trở lại. Đến khoảng đầu tháng 10 tôm chính vụ đã qua đợt thu hoạch rộ và lúc này nhu cầu thu mua nguyên liệu từ các nhà máy chế biến sẽ tăng lên đáp ứng theo kế hoạch xuất hàng giai đoạn cuối năm bán thị trường tiêu dùng mùa Tết Dương lịch.
Yêu cầu truy xuất nguồn gốc
Theo Tổng cục Thủy sản, qua 5 tháng đầu năm 2019, vùng nuôi tôm cả nước đảm bảo theo tiến độ kế hoạch, với trên 634.200ha, bằng 100,5% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó tôm sú trên 581.800ha, tôm thẻ chân trắng hơn 52.300ha). Sản lượng thu hoạch đạt 211.800 tấn, bằng 102,3% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó tôm sú hơn 121.800 tấn, tôm thẻ chân trắng 89.900 tấn).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2018 đạt 1,72 tỉ USD, tăng 19,6% so với năm 2017, nhưng phần lớn dành cho chế biến xuất khẩu. Mặc dù Ấn Độ là nước cung cấp thủy sản lớn cho Việt Nam, nhưng trong năm 2018 giá trị nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ giảm 3,6%.
|
Việt Nam là một trong những nước có vùng nuôi tôm rộng lớn, có sản lượng cao. Trong mấy năm gần đây, một số vùng nuôi tôm ở Việt Nam bắt đầu nuôi tôm theo xu hướng đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc của một số thị trường các nước bằng cách đánh mã số từ ao tôm. Mặt khác, song hành cùng hoạt động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ngành công nghiệp chế biến thủy sản đạt bước tiến vượt bậc và tôm Việt Nam được đánh giá đạt trình độ chế biến cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm kể cả cho thị trường cao cấp, khó tính nhất. Trong khi năng lực sản xuất chế biến không ngừng tăng lên, nhưng nguồn tôm nguyên liệu trong nước tùy thuộc vào mùa vụ và có thời điểm lượng tôm bán về các nhà máy giảm trong một vài tháng. Do vậy để tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, công nhân giãn ca hoặc tạm nghỉ vì không có việc làm một số nhà máy muốn duy trì sản xuất bằng cách thu mua thêm nguyên liệu với hình thức mua tôm tạm nhập từ một số nước còn kéo dài mùa vụ thu hoạch tôm, sau đó chế biến và tái xuất.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay chưa có quy định nào từ nước nhập khẩu tôm qua chế biến có nguồn gốc tôm nguyên liệu dưới dạng tạm nhập tái xuất được ấn định chiếm bao nhiêu phần trăm. Theo giới doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hiện chỉ có nhà nhập khẩu có cần giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hay không, như đối với các nước EU chắc chắn cần, Úc cần. Các nước có FTA nhất thiết cần có C/O như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nước Bắc Mỹ không đòi C/O, nhưng riêng Mỹ từ ngày 31-12-2018 theo chương trình SIMP do tổ chức NOOA (Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ), lô hàng trước khi nhập vào Mỹ phải báo xuất xứ tôm nuôi và thu từ ao nào. Chi tiết các ao nuôi phải báo cho họ từ trước 31-12-2018.
Riêng Nhật có quy định, sản phẩm tôm bao bột có trọng lượng bột trên 50% có thể làm C/O Việt Nam, đó là quy định trong JVFTA (nghĩa là trọng lượng tôm ít hơn 50%) và chế biến ở Việt Nam thì có quyền làm C/O Việt Nam. Song, loại tôm này chiếm tỷ trọng không lớn và Nhật vẫn yêu cầu con tôm này phải của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thực tế, tôm nhập từ Ấn Độ cỡ lớn, chủ yếu từ cỡ 26/30 HLSO/LB về lớn tức 26-30 con lặt đầu trên một pound. Vì vậy tôm từ Ấn Độ không phù hợp làm tôm bao bột bao nhiêu. Tôm bao bột cỡ phổ biến là cỡ nhỏ hơn và các doanh nghiệp dùng tôm này chế biến. Do đó, khuyến cáo của các nhà xuất khẩu tôm, muốn tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, người nuôi tôm cần hướng tới nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thị trường yêu cầu như: ASC, BAP… để dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp, bán được giá cao.
Hiện nay dù tình hình tôm nguyên liệu trong nước giá thấp nhưng không đến nỗi bi quan. Theo các doanh nghiệp khảo sát từ một số mô hình nuôi tôm thẻ thành công, với giá tôm hiện thời, nếu nuôi trúng, năng suất cao, người nuôi vẫn có lãi khoảng 20-30%. Nuôi đạt cỡ tôm từ 45 con/kg đến lớn hơn, tỷ lệ lãi sẽ cao hơn thậm chí một lời một. Riêng tôm sú cỡ lớn 30 con/kg vẫn giữ được giá tốt.
Bài, ảnh: HỮU ĐỨC