23/06/2011 - 10:06

Tôi muốn sống lâu với các con...!

Dù hai mắt đã mờ dần do biến chứng bệnh tiểu đường, nhưng chị Ba (bên phải ảnh) vẫn ráng dệt chiếu mướn để kiếm sống…

Đó là niềm mong mỏi thiết tha của chị Dương Thị Ba, ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, khi kết thúc câu chuyện về cuộc đời trắc trở, truân chuyên của mình, phải vất vả đối đầu với bao biến cố và gian nan để nuôi nấng 2 con. Bây giờ, chị Ba đã sức cùng lực kiệt nên không biết có còn đủ sức lực để chống chọi với căn bệnh tiểu đường đang hành hạ và gặm mòn cơ thể theo thời gian…

Hôm chúng tôi đến nhà chị Ba, trời đã tối nhá nhem. Căn nhà trống trải vắng lặng, bếp núc lạnh tanh, cô con gái nhỏ của chị đang ngồi thu lu ở cửa. Chúng tôi hỏi mẹ đâu, em trả lời giọng buồn thiu: “Mẹ đang dệt chiếu mướn ở nhà hàng xóm”. Một lát sau, chị Ba về đến, dáng gầy còm, da xanh xao, mặt hốc hác do nhiều đêm mất ngủ...

Cũng như nhiều phụ nữ nông thôn khác, hơn 20 tuổi, chị Ba lấy chồng nhưng cuộc hôn nhân mau chóng tan vỡ. Chồng bỏ đi khi con trai Dương Tấn Lạc vừa tượng hình trong bụng mẹ. Chị Ba một mình bươn chải làm mướn, thui thủi sinh nở và nuôi dưỡng con trong thiếu thốn, nhọc nhằn. Năm Lạc 3 tuổi, gởi con nhờ người thân trông giúp, chị Ba xin làm công nhân sơ chế ở Công ty cổ phần Cafatex, tranh thủ lúc rảnh đi làm mướn, dệt chiếu, kiếm thêm thu nhập. Quá vất vả, mong muốn có người đỡ đần, nương tựa, năm Lạc 16 tuổi, chị Ba gá nghĩa với người chồng thứ hai. Sau khi sinh con gái Phạm Thị Ngọc Trâm, chị Ba nghỉ làm công nhân, đi làm mướn nuôi con và trông coi nhà cửa. Nhắc đến chuyện cũ, chị Ba bùi ngùi, nói: “Thời gian đầu, vợ chồng tui sống khá đầm ấm, hạnh phúc. Ba cháu Trâm chịu khó làm ăn, nhưng lại cộc cằn, gia trưởng, khi có chuyện không vui, không hài lòng là la mắng, đập phá đồ đạc trong nhà. Tui khổ tâm lắm nhưng cố gắng chịu đựng vì thương các con...”. Rồi, người chồng thứ hai cũng bỏ đi, chị Ba một mình làm đủ nghề nuôi các con ăn học. Đối với chị Ba, 2 con là niềm an ủi và là chỗ dựa tinh thần để chị tiếp tục sống và làm việc mà không để ý sức khỏe mình ngày một hao mòn, cạn kiệt.

Tấn Lạc dần khôn lớn, hiếu đạo với mẹ và thương em gái. Lạc vừa học Trung cấp Điện vừa xin làm công nhân công ty sản xuất nhôm để giúp mẹ trang trải các khoản chi tiêu. Một lần, trong lúc mải làm việc, chẳng may, Lạc bị tai nạn lao động và bị dập xương bàn tay trái. Được công ty hỗ trợ chi phí điều trị, Lạc không mất bàn tay nhưng bị liệt cơ, không cử động bình thường được nữa và sức khỏe giảm sút hẳn. Từ đó, Lạc phải nghỉ học và phụ giúp mẹ việc lặt vặt, tiếp tục đi làm nhưng thu nhập không nhiều. Chị Ba buồn rầu nói: “Cuối năm rồi, thấy mệt mỏi, đau yếu hoài, làm việc nhẹ cũng thở dốc, nên tui mượn tiền đi khám bệnh. Bác sĩ thử máu, chẩn đoán rồi cho biết tui bị tiểu đường, khuyên nghỉ ngơi, uống thuốc đều đặn, ăn uống cử kiêng...”. Không có điều kiện trị bệnh theo toa nên mỗi khi không khỏe, chị chỉ mua vài viên thuốc uống để lướt cơn đau. Chị Ba gắng gượng dệt chiếu mướn kiếm sống lây lất qua ngày, không để ý đôi mắt ngày càng mờ dần do biến chứng căn bệnh tiểu đường...

Chị Bùi Thị Thanh, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Phú, cho biết: “Gia cảnh chị Ba rất khó khăn. Bà con lối xóm ai cũng thương nhưng chỉ giúp chút đỉnh lon gạo, bó rau, vì ai cũng gặp khó không thể lo được khoản tiền điều trị cho chị. Chị Ba thường tâm sự rằng chỉ lo mình có mệnh hệ gì, không biết các con chị sẽ ra sao... Rất mong, các nhà hảo tâm gần xa mở lòng giúp đỡ chị Ba đạt thành ước nguyện được điều trị bệnh và sống lâu với các con”.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết