13/12/2020 - 06:50

Tối cao Pháp viện Mỹ dập tắt hy vọng của ông Trump 

Tòa án Tối cao, hay Tối cao Pháp viện Mỹ hôm 11-12 đã chính thức bác đơn kiện chưa từng thấy của bang Texas nhằm đảo ngược kết quả thắng cử của ông Joe Biden và qua đó đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực tạo nên bất ngờ của đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử mà ông cho là có gian lận cách đây 5 tuần.

Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (trái) và Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong cuộc chiến pháp lý cuối cùng chống lại kết quả bầu cử. Ảnh: AFP

Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (trái) và Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong cuộc chiến pháp lý cuối cùng chống lại kết quả bầu cử. Ảnh: AFP

Hôm 7-12, Texas đã khởi kiện 4 bang chiến địa gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin lên Tòa án Tối cao. Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Texas, Tổng chưởng lý Ken Paxton thuộc đảng Cộng hòa, khởi kiện với cáo buộc 4 bang trên kéo dài thời gian bỏ phiếu qua bưu điện do dịch COVID-19, cho rằng động thái này là vi hiến. Ông Paxton đề nghị Tòa án Tối cao lập tức ngăn chặn 4 bang này sử dụng kết quả bỏ phiếu phổ thông để chọn đại cử tri, đồng thời kiến nghị tòa hoãn việc Cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống ngày 14-12 tới.

Trước khi Tối cao Pháp viện Mỹ bác đơn kiện, Tổng thống Trump đã ủng hộ vụ kiện của bang Texas, đề nghị Tòa án Tối cao chặn hàng triệu phiếu bầu phổ thông ở 4 bang chiến địa trên. Ông Trump cũng đề nghị 9 thẩm phán Tòa án Tối cao cho phép ông can thiệp và trở thành bên nguyên đơn trong vụ kiện của bang Texas. Ngoài ra, 17 bang khác đã đệ đơn ủng hộ Texas. Trong số các bang này, trừ 3 bang, số còn lại đều có thống đốc là người thuộc đảng Cộng hòa. 126/196 hạ nghị sĩ Cộng hòa cũng ủng hộ đơn kiện của Texas. Phản ứng trước động thái này của phe Cộng hòa, 22 bang ủng hộ phe Dân chủ cũng đồng loạt nộp đơn ủng hộ các bang bị kiện, kêu gọi Tòa án tối cao Mỹ bác đơn kiện.

Sau khi nhận được phản hồi của 4 bang bị đơn,  6 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao không đồng ý thụ lý vụ kiện, do đó, tòa đã quyết định rằng bang Texas không có tư cách pháp lý để khởi kiện cách thức các bang khác tiến hành bầu cử.  Trong phán quyết trên một trang giấy, Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng đơn kiện của bang Texas thiếu cơ sở pháp lý dựa theo điều 3 của Hiến pháp Mỹ cũng như không có lợi ích được thừa nhận về cách thức các bang trên tổ chức bầu cử. 

Dư âm cuộc bầu cử khó phai mờ

Dana Nessel, Tổng chưởng lý bang Michigan, tỏ ra vui mừng khi tuyên bố “quyết định của Tối cao Pháp viện là một lời nhắc nhở quan trọng  rằng chúng ta là nhà nước pháp quyền và dù một số người có thể làm theo mong muốn của một cá nhân đơn lẻ nhưng các tòa án thì không”.  Mike Gwin, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông “không ngạc nhiên” khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết “dứt khoát và nhanh chóng”  bác  bỏ “những nỗ lực vô căn cứ” của ông Trump và các đồng minh tấn công vào tiến trình dân chủ của nước Mỹ. Ông Gwin khẳng định “chiến thắng vang dội và rõ ràng của Tổng thống đắc cử Biden sẽ được Cử tri đoàn phê chuẩn vào thứ Hai (14-12) và ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021” theo luật định.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse thuộc bang Nebraska, người xung khắc với ông Trump,  ví von rằng phán quyết của Tòa án Tối cao cuối cùng  “đã khép lại cuốn sách về những điều vô nghĩa” do ông Trump dựng ra nhằm gieo rắc sự hoài nghi của cử tri Mỹ về cuộc bầu cử tại đất nước pháp quyền này.

 Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận gì. Nhưng Chủ tịch đảng Cộng hòa tại bang Texas và là cựu hạ nghị sĩ  Allen West lại tiếp tục nêu nghi vấn gian lận bầu cử và tỏ ra cay cú sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Ông này cảnh báo quyết định của Tối cao Pháp viện “thiết lập một tiền lệ khi bảo rằng các bang có thể vi phạm  Hiến pháp Mỹ và không phải chịu trách nhiệm”. Vì vậy, ông đề nghị Texas và 17 bang đối tác theo đuổi ly khai. “Có lẽ các bang tuân thủ luật pháp nên liên kết với nhau và thành lập một liên minh các bang tuân thủ hiến pháp”, ông West cay cú nói.

Trên thực tế, kênh NBC News cho biết các chuyên gia pháp lý bảo thủ và tự do đều cho rằng vụ kiện trên có một lỗ hổng nghiêm trọng, bởi bang Texas không có thẩm quyền để tuyên bố rằng họ bị tổn thương hoặc cử tri của họ bị ảnh hưởng từ các thủ tục bầu cử của các bang khác. Tuy vậy, dư luận Mỹ vẫn lo lắng cho tương lai đoàn kết của nước Mỹ khi phán quyết của Tối cao Pháp viện chưa khiến Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton “tâm phục khẩu phục”. Ông này tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi nhằm vào vệ an ninh bầu cử Mỹ. Tổng thống Trump và chiến dịch tranh cử của ông đã thất bại trong gần 50 đơn kiện kết quả bầu cử, để lại dư âm khó phai mờ trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. 

Chống lại những hành vi thương mại không công bằng sẽ là một “ưu tiên chủ đạo” trong chính quyền Mỹ sắp tới. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đưa ra tuyên bố trên hôm 11-12,  khi ông công bố quyết định chọn bà Kathirine Tai - luật sư thương mại hàng đầu của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện - làm Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).  Ông Biden nêu rõ: “Bà Tai từng là người phụ trách thực thi chính sách thương mại chủ đạo chống lại những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, đây sẽ là một ưu tiên chủ đạo trong chính quyền mới”. Theo ông Biden, bà Tai hiểu rõ nước Mỹ cần triển khai những chính sách thương mại mang tính chiến lược hơn, theo cách giúp toàn thể người dân Mỹ mạnh mẽ hơn và “không bỏ ai lại phía sau”. Ông cho biết bà Tai sẽ phối hợp chặt chẽ với đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại, kinh tế và an ninh quốc gia của ông.

Bà Tai, 45 tuổi, là người Mỹ gốc Trung Quốc, từng tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng Yale và Harvard.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết