Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn với các sản phẩm nhập ngoại
nhưng ngành chăn nuôi ĐBSCL và cả nước vẫn giữ mức tăng trưởng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Tăng trưởng, nhưng còn bất cập
|
Phát triển nuôi bò quy mô trang trại tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. |
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong suốt 15 năm qua, ngành chăn nuôi nước ta vẫn luôn giữ được mức tăng trưởng cao; sản lượng thịt các loại tăng từ 1,8 triệu tấn lên 4,6 triệu tấn, trứng tăng từ 3 tỉ quả lên 8,9 tỉ quả, các sản phẩm sữa tươi tăng 14 lần, thức ăn công nghiệp tăng gần 4 lần
Chăn nuôi công nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh, với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và đang đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho chăn nuôi. Điều này đã tác động tích cực, lan tỏa đến các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần quan trọng vào phát triển chung của ngành nông nghiệp và an sinh xã hội.
Thế nhưng, nhìn tổng thể, chăn nuôi Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn như: tỷ trọng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao, hệ thống sản xuất chưa đồng bộ, việc xử lý ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và khâu liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn bất cập, cản trở bước tiến của ngành. Chăn nuôi cũng là lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: Ngành chăn nuôi liên tục phát triển trong những năm qua, nhưng tăng trưởng của ngành lệ thuộc vào nhiều yếu tố, như: giá sản phẩm, cung cách sản xuất của ngành chăn nuôi. Khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta thấp (do giá thành sản xuất cao, an toàn vệ sinh thực phẩm kém, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ngành chăn nuôi yếu). Ngoài ra, ngành chăn nuôi phát triển mạnh ở một số công ty và cá nhân, nhưng tổng thể ngành chăn nuôi lại yếu do mối liên kết chưa chặt chẽ.
Nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, cần giải quyết triệt để những bất cập, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Cụ thể là giảm giá thành chăn nuôi, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá sản phẩm
trên thị trường. Từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm dần chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, tăng các trang trại, công ty sản xuất với qui mô lớn. Đồng thời đầu tư công nghệ, sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chú trọng khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt các chi phí trung gian, tăng năng suất vật nuôi và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tổ chức lại vùng nuôi
Mới đây, tại Hội nghị khoa học toàn quốc chăn nuôi thú y năm 2017, do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội Thú y Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Các giải pháp về nâng cao giá trị cũng như cung cấp được những sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, đề xuất những công trình khoa học mới phục vụ nghiên cứu và sản xuất phù hợp với từng khu vực. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao thì chăn nuôi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thực phẩm; số lượng thịt, trứng, sữa trên bàn ăn ngày càng nhiều. Hiện nay, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao hơn và cũng là lúc chăn nuôi được đặt trong tình trạng báo động về lạm dụng chất cấm, chất tạo nạc, kháng sinh
Sự cạnh tranh về giá và biến động mạnh của thị trường trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn buộc ngành chăn nuôi phải thay đổi. Thời gian tới, cần đẩy mạnh gắn kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) và nghiên cứu mô hình sản xuất gắn kết "4 nhà" này lại với nhau. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia chuỗi trong hệ thống phân phối sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn, đáp ứng yêu cầu khắc khe của thị trường.
Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, cần xem xây dựng chuỗi liên kết trong ngành chăn nuôi là giải pháp ưu tiên hàng đầu và phải được Nhà nước quan tâm. Nhà nước và các doanh nghiệp, cùng những người chăn nuôi (trang trại, hợp tác xã
) phải gắn kết với nhau để tạo đầu vào thấp và đầu ra sản phẩm chất lượng cao, với giá bán cao. Để thành công trong liên kết, cần phải công khai, minh bạch, sòng phẳng và bình đẳng về lợi ích liên kết
Khi xây dựng được mối liên kết này sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất từ 10-20%. Lúc đó, giá thành sản xuất sẽ tương đương những nước ASEAN tương đối mạnh về chăn nuôi, như: Malaysia, Thái Lan
, đồng thời đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc.
Trong điều kiện hội nhập, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngành chăn nuôi Việt Nam tồn tại và phát triển, phải đẩy nhanh tái cơ cấu, tổ chức lại vùng nuôi. Có cơ chế, chính sách bổ sung của Chính phủ, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tăng hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh. Các cá nhân, tổ chức trong ngành chăn nuôi cũng phải đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, mạnh dạn đầu tư công nghệ cao, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và khu vực, ưu tiên phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Khi thuế suất nhập khẩu về 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam được hưởng lợi thế khi nhập khẩu con giống, trang thiết bị, nguyên liệu thức an chăn nuôi, thuốc thú y
góp phần giảm chi phí đầu vào và tiến tới xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm có lợi thế.
Bài, ảnh: Hồng Bảo