08/10/2013 - 08:29

Tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi sẽ bị phạt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nghị định điều chỉnh đối với hành vi VPHC trong các lĩnh vực: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại; chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế về pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm;…

Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi: luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn Luật sư mà luật sư là thành viên; thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên.

Đối với hành vi vi phạm quy định của công chứng viên: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, không ghi giấy nhận lưu giữ, không giao giấy nhận lưu giữ cho người lập di chúc khi nhận lưu giữ di chúc; không niêm yết hoặc niêm yết không đúng quy định về địa điểm, thời hạn, nội dung đối với văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với việc công chứng di chúc trong trường hợp người lập di chúc không tự mình yêu cầu công chứng; người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; công chứng văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp người thừa kế từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; công chứng việc từ chối nhận di sản quá thời hạn sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế.

Công chứng viên công chứng liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của mình, của vợ hoặc chồng, cháu là con của con trai, con gái, con nuôi sẽ bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung của bản chính để chứng thực bản sao; nội dung bản dịch để chứng thực chữ ký người dịch. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục yêu cầu chứng thực; sử dụng giấy tờ giả là bản sao có chứng thực; giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực.

Người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt cảnh cáo. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi làm chứng sai sự thật về việc sinh, cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh, sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Nếu cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có Quyết định của TAND buộc chấm dứt quan hệ đó sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể,…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11-11-2013.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết