05/11/2014 - 20:07

“LÝ HÀNG KHƠI”

Tình người nơi miền biển

“Lý hàng khơi” - truyện dài của Đoàn Phương Nam - giúp người đọc khám phá những điều thú vị về một làng nghề độc đáo, một vùng đất đặc biệt ở vùng biển Tây Nam; đồng thời mang lại cho tác giả giải khuyến khích Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V (2012-2014).

Sách do NXB Trẻ xuất bản quí III - 2014.

Lý hàng khơi” mở ra một thế giới đặc biệt về cuộc sống của cư dân miền biển nơi cùng trời cuối đất: một vùng đất bãi bồi từ biển được gọi là “Rạch Cúi”. Nơi đây, cái gì cũng lạ: từ nhà cửa, cây cối, sản vật cho đến tên người. Nhà chỉ có 20 cái mà lại “treo mình trên cụm đước trông xinh xắn như tổ chim câu”. Tới trưa, nước đã ngập hết cầu thang dẫn lên nhà và mọi người phải đi lại bằng xuồng. Mỗi loại cây, rau, hoa hay tôm cá được đặt tên dựa vào đặc điểm của từng loài như: cây Rải Bóng, dây leo Ngải Mặn, rau Chân Vịt Nhỏ, bông Bọng Rỗng, hoa Khát Nắng; cá thì có: Dứa Dại, Đường Đi, Bóng Bóng, Sọc Dưa, Đằng Đẵng... Người ở Rạch Cúi không có tên mà được gọi theo số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9...

 

Ở đây, đàn bà và trẻ nhỏ ở nhà vá lưới, phân loại cá tôm; còn đàn ông, thanh niên trai tráng mưu sinh bằng nghề “đáy hàng khơi”. Đó là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền trên 5 hải lý. Lưới đáy được mắc vào một hàng cột to, trên cột “treo” căn chòi nhỏ làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Bạn chòi đi lại trên biển qua một sợi dây thừng mắc giữa các hàng cột như diễn viên xiếc. Dù ở nhà hay canh đáy ngoài khơi thì nơi đâu cũng đầy những bất trắc, hiểm nguy bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên và môi trường sống.

Giữa những vất vả mưu sinh, người Rạch Cúi sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa, bằng sự thật thà, nhân hậu. Đối với thiên nhiên, họ cũng đáp lễ bằng những luật tục ý nghĩa. Tiêu biểu là chỉ lấy nửa số cá tôm bắt được, còn lại thả về với biển cả, lúa cũng chỉ gặt một nửa, nửa để lại với con nước, với phù sa...

Cái tình của người Rạch Cúi thể hiện đậm nét qua việc họ cưu mang, giúp đỡ những người sa cơ lỡ bước hoặc những trường hợp bị nạn trên biển trôi dạt đến đất này. Mẹ con Miên là một trong số đó. Miên lớn lên trong tình thương của mẹ và trong sự đùm bọc, chở che của người Rạch Cúi. Miên là người khiến Rạch Cúi tự hào khi giành được học bổng du học và cũng là người duy nhất được đặc cách thực hiện nghi lễ công nhận là “bạn chòi” khi chưa trải qua thời gian thực tập. Nhưng chính Miên khiến cả Rạch Cúi nổi giận khi việc cô là gái giả trai bị bại lộ, dù đó là ý nguyện của mẹ vì không muốn Miên chịu khổ giống mình.

Nhẹ nhàng từng bước, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá những nét đặc biệt của mảnh đất, con người nơi xa xôi, cùng trải nghiệm những cung bậc cảm xúc qua cuộc đời thăng trầm của nhân vật chính. “Lý hàng khơi” cũng đã khắc họa những nhân vật điển hình. Đó là Miên đầy nghị lực và yêu quê hương khi quay về Rạch Cúi để giúp vùng đất này phát triển; là già 9 thông thái, uy tín và rất tình cảm; là người mẹ đã vượt mọi gian nan để con được học; một cô giáo không quay về thành phố để ở lại mái trường nghèo nơi vùng sâu...

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết