07/01/2024 - 07:37

Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững 

Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2024), Bảo tàng Quân khu 9 tổ chức triển lãm chuyên đề “Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia”. Triển lãm mang đến cho khách tham quan những hình ảnh, hiện vật lịch sử sống động, ý nghĩa.

Các đại biểu tham quan triển lãm “Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia”. Ảnh: DUY KHÔI

Triển lãm được bố cục gồm 5 phần. Đầu tiên là một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Phần thứ hai là về tội ác của Pol Pot - Ieng Sari trên tuyến biên giới Tây Nam. Phần thứ ba là về Lực lượng vũ trang Quân khu 9 bảo vệ biên giới Tây Nam. Phần thứ tư là về thực hiện nghĩa vụ quốc tế cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng. Và cuối cùng là về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới.

Gần 300 ảnh, tư liệu, hiện vật giúp người xem hiểu rõ thêm về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước và củng cố thêm niềm tin vững chắc vào đường lối đối ngoại của Đảng, vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 4-1975, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm ngàn trường học, bệnh viện, chùa chiền...

Trong 2 năm (từ 30-4-1975 đến 30-4-1977), Pol Pot phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối; chúng xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương. Pol Pot tuyên bố: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc. Chỉ trong 2 năm (1975-1977), chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam; gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta. Chúng xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Ngày 3-5-1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10-5-1975, đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, cho dân di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10-1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975 đầu năm 1976, quân Pol Pot bất ngờ tiến hành một số vụ tấn công xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi trên 10km như ở vùng sông Sa Thầy (Gia Lai, Kon Tum).

Triển lãm chuyên đề “Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia” với nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý. Ảnh: DUY KHÔI

Cuối tháng 2, đầu tháng 3-1976, quân Pol Pot khiêu khích hai đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Bu Prăng (Đắk Lắk). Cuối năm 1976, chúng tăng cường các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm ở vùng biên giới Tây Nam nước ta. Trên địa bàn Quân khu 7, chúng gây ra 280 vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm trên biên giới. Ở địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, các vụ xâm lấn ngày càng tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong tháng 3 và 4-1977, quân Pol Pot liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân. Cuối tháng 4-1977, Pol Pot điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào vùng biên giới Tây Nam nước ta.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các Quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia.

Đọc bảng tội ác của quân Pol Pot đã gây ra cho nhân dân An Giang được giới thiệu tại triển lãm, thật rùng mình trước những con số: 4.158 người dân toàn tuyến biên giới Tây Nam đã bị tàn sát; làm bị thương 774 người; 4.500 căn nhà bị tàn phá; 36 đơn vị xã, phường, thị trấn bị tàn phá, trong đó hủy hoại hoàn toàn 8 xã... Chỉ riêng ở Ba Chúc, đã có hơn 3.000 người bị thảm sát. Hầu hết trường học, bệnh xá, chùa chiền, nhà thờ cùng tài sản người dân bị Pol Pot tàn phá trắng trợn, dã man. Hay khi xem các hiện vật về tội ác của quân Pol Pot đối với nhân dân các xã biên giới An Giang, người xem không khỏi bùi ngùi và kinh sợ trước tội ác diệt chủng.

Tại triển lãm, người xem được đọc lại đoạn trích “Mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng”, xác định: “... Phải đánh chiếm lại toàn bộ các đảo và đất đai của ta mà Pol Pot đã chiếm...”. Và còn có hình ảnh thanh niên hăng hái đăng ký lên đường bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh Trung đoàn 2, Sư đoàn 330 tiêu diệt quân Pol Pot tại xã Vĩnh Điều, Hà Tiên, Kiên Giang vào ngày 13-7-1977, hay cảnh Trung đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9, chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến đánh quân Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam vào năm 1978...

Đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong - đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Đó là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: “Nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

Trong 10 năm (1979-1989), Việt Nam đồng thời thực hiện 3 nhiệm vụ tại Campuchia. Giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa. Giúp bạn xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Cử hàng ngàn cán bộ, chuyên gia cùng với chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia ổn định, hồi phục trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải, y tế… chăm lo đời sống nhân dân.

10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, vượt qua những thử thách cam go, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Người dân Campuchia đã trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là Bộ đội nhà Phật. Khi tình hình Campuchia đi vào ổn định, ngày 26-9-1989, trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước trong sự lưu luyến của nhân dân xứ Chùa Tháp.

Nhân dân Campuchia tiễn đưa Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về Tổ quốc, tháng 9-1989. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân khu 9

Ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Pracheachon của Campuchia có xã luận viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

Thật xúc động trước những hình ảnh tại triển lãm, đó là cảnh Quân y Sư đoàn 330 khám, chữa bệnh cho nhân dân Campuchia; là cảnh Quân tình nguyện Việt Nam chia gạo cứu đói cho nhân dân Campuchia vào năm 1979, hay là cảnh Quân tình nguyện Việt Nam đưa nhân dân Campuchia trở về quê hương sau ngày giải phóng, tháng 1-1979. Xúc động nữa là hình ảnh Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân tỉnh Kampot trồng lúa ổn định cuộc sống.

Trước sự chí nghĩa, chí tình của Quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã dành những tình cảm tốt đẹp. Hình ảnh nhân dân Thủ đô Phnom Penh, Campuchia lưu luyến tiễn đưa Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về Tổ quốc vào năm 1989 là ví dụ. Và còn có hình ảnh Tư lệnh Mặt trận 979 và Bí thư Tỉnh ủy Kandal viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Thật đẹp biết bao hình ảnh cô gái Campuchia choàng khăn, tiễn đưa Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về Tổ quốc với nụ cười hồn hậu, trìu mến.

Tình cảm của nhân dân Campuchia với Quân tình nguyện Việt Nam còn thể hiện qua những lá cờ lưu niệm được trưng bày tại triển lãm. Là cờ do Hội Phụ nữ cách mạng Campuchia tặng Binh đoàn 98 nhân dịp Binh đoàn hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về Tổ quốc, năm 1986, với dòng chữ “Gia đình chúng tôi xum họp được là nhờ các anh”. Hay lá cờ Liên đoàn Campuchia tặng Binh đoàn 98 có dòng chữ “Nhờ các anh, chúng tôi đã trở lại làm chủ nhà máy, làm chủ đất nước”. Cờ học sinh Campuchia tặng Binh đoàn 98 thì thêu chữ “Chúng em trở lại trường học được là nhờ các anh”.

DUY KHÔI

---------------------------------

* Bài viết có sử dụng tư liệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Chia sẻ bài viết