21/02/2024 - 15:19

Tin tức thế giới ngày 21-2 

Hệ thống y tế Hàn Quốc gồng mình trong tình trạng thiếu nhân lực

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, đến ngày 21-2, đã có hơn 6.400 bác sĩ nội trú trên toàn quốc, khoảng 55% số bác sĩ thực tập tại 95 bệnh viện đã nộp đơn thôi việc nhằm phản đối kế hoạch mở rộng tuyển sinh trường y của chính phủ nước này. Trong số này, khoảng 1.600 người đã nghỉ việc. 

Dịch vụ y tế tại 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất ở Seoul gồm Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Samsung Seoul, Bệnh viện Seoul Asan và Bệnh viện St. Mary Seoul đã bị gián đoạn một phần trong ngày 20-2, sau khi các thực tập sinh và bác sĩ nội trú không đến làm việc. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị từ chối điều trị tại phòng cấp cứu, chỉ có khoảng 50% số ca phẫu thuật được thực hiện theo lịch.

Để ứng phó với nguy cơ gián đoạn dịch vụ y tế, Chính phủ Hàn Quốc đã kéo dài thời gian hoạt động tại 97 bệnh viện công trên toàn quốc và mở phòng cấp cứu tại 12 bệnh viện quân đội cho người dân. 

Ngày 20-2, Bộ Y tế đã kiểm tra các bệnh viện lớn và ban hành lệnh yêu cầu trở lại làm việc đối với 728 người. Thứ trưởng Park Min-soo cho biết nếu không quay lại làm việc theo mệnh lệnh, các bác sĩ nội trú sẽ phải đối mặt với các biện pháp hành chính như đình chỉ giấy phép hành nghề.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định sẽ không nhượng bộ và cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y ở mức 2.000 người vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo các cơ quan y tế, số lượng bác sĩ ở Hàn Quốc so với quy mô dân số là thấp nhất trong các nước phát triển.

Bệnh nhân xếp hàng dài chờ lượt khám tại Bệnh viện Seoul Asan ngày 20-2. Ảnh: The Chosun Daily

Nhật Bản ngừng trợ cấp chi phí điều trị COVID-19

Từ ngày 1-3 tới, Chính phủ Nhật Bản ngừng trợ cấp thuốc điều trị COVID-19 và chi phí điều trị bệnh nhân nhập viện vì COVID-19.

Truyền thông Nhật Bản ngày 20-2 dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết, từ tháng tới, bệnh nhân COVID-19 sẽ phải tự thanh toán chi phí điều trị dựa trên mức thu nhập, tương tự các căn bệnh thông thường khác. 

Kể từ năm 2021, Chính phủ Nhật Bản sử dụng công quỹ để chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19. Chính phủ đã cắt giảm khoản ngân sách hỗ trợ này vào tháng 10 năm ngoái, theo đó bệnh nhân phải tự chi trả viện phí ở mức từ 3.000 yen (khoảng 20 USD) đến 9.000 yen tùy thuộc vào độ tuổi và thu nhập của họ.

Theo kế hoạch mới, đơn thuốc molnupiravir được sử dụng để ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 sẽ có giá hơn 90.000 yen. Đối với những người có bảo hiểm công cộng, mức giá này sẽ còn khoảng 28.000 yen. Khoản trợ cấp chi phí nằm viện hiện ở mức 10.000 yen/tháng cũng sẽ chấm dứt vào tháng tới.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ dừng việc cấp ngân sách hỗ trợ các bệnh viện lớn đảm bảo đủ giường cho bệnh nhân COVID-19, dao động từ 29.000 yen đến 174.000 yen.

Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: The Mainichi

Xu hướng chọn mạng xã hội làm nguồn tin tức chính tại Úc

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Quản lý thông tin truyền thông Úc (ACMA) cho thấy ngày càng nhiều người Úc lựa chọn mạng xã hội làm nguồn tin tức chính, thay vì các trang tin tức trực tuyến.

Với tiêu đề “Cách chúng ta truy cập tin tức”, báo cáo được công bố ngày 21-2 cho thấy người dân Úc truy cập trung bình 3,1 nguồn tin tức khác nhau (chẳng hạn như truyền hình miễn phí, podcast, trang web) trong năm 2023, giảm so với 3,5 nguồn tin tức năm 2022. 

Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở giới trẻ Úc, những người đang thay đổi thói quen từ truy cập các trang tin tức trực tuyến sang các nền tảng và ứng dụng truyền thông xã hội. Cụ thể, trong năm 2023, 46% thanh niên Úc trong độ tuổi từ 18-24 lựa chọn mạng xã hội là nguồn tin tức chính, tăng so với tỷ lệ 28% vào năm 2022. Đáng chú ý, 31% trong số này coi những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là nguồn cung cấp tin tức chính.

Đối với những người lớn tuổi ở Úc, hơn một nửa số người trên 75 tuổi (52%) cho biết họ vẫn đọc báo in trong thời gian gần đây, trong khi con số này ở độ tuổi từ 18-24 là 7%.

PV (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết