07/04/2018 - 16:35

Tín hiệu mới cho thu hút đầu tư Cần Thơ 

Thu hút các nguồn lực đầu tư là động lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển. Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn giữ quan điểm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong quá trình hoạt động tại địa phương, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Sự hỗ trợ thiết thực và có tương tác này đã củng cố thêm niềm tin của DN, tạo lực đẩy cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Những khởi sắc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, năm 2017, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.468 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 5.600 tỉ đồng; thu hút 21 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 4.762,8 tỉ đồng (tương đương 226,8 triệu USD), tổng diện tích sử dụng cho các dự án trên 162ha. Trong 3 tháng đầu năm 2018, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 302 DN các loại hình, vốn đăng ký 1.431,5 tỉ đồng, tăng 33,6% về số DN và gấp 2 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Cũng trong quý I/2018, thành phố cấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, vốn đầu tư 217,3 tỉ đồng; đến nay, có 412 dự án đang triển khai, tổng vốn đầu tư 81.157 tỉ đồng.

Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet là Công ty  100% vốn của Nhật Bản đặt tại KCN Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Những nỗ lực của chính quyền thành phố trong tạo môi trường đầu tư thông thoáng đã tạo niềm tin nhất định đối với DN. Và đặc biệt ngày 17 và 18-4-2018 tới đây, sự kiện gặp gỡ Nhật Bản- khu vực ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ cũng là cơ hội lớn cho thành phố quảng bá, giới thiệu tiềm năng đầu tư. Thống kê của Sở KH&ĐT thành phố, hiện có 6 dự án của DN Nhật đầu tư tại thành phố, tổng vốn đầu tư đăng ký 12,05 triệu USD, chủ yếu trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, công nghệ thông tin. Mặc dù dự án Nhật Bản đầu tư vào thành phố còn khiêm tốn về quy mô và vốn đầu tư; chưa có dự án công nghệ cao nhưng thành phố rất kỳ vọng vào đối tác tiềm năng này.

Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố, cho biết: “Năm qua, thành phố tổ chức nhiều chuyến đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; trong đó có 2 đoàn sang Nhật Bản. Hiện thành phố đã kết nối được với nhiều địa phương của Nhật Bản; đây là bước đệm để năm 2018 tạo ra những hợp tác mới tại cuộc gặp gỡ trong tháng 4 và hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 8-2018. Để chuẩn bị cho công tác này, thành phố đã chuẩn bị khu đất khoảng 30ha và đang giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng thu hút nhà đầu tư Nhật”.  Theo bà Thúy, trên bình diện chung, thu hút FDI vào thành phố còn một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, thành phố đang quyết tâm thực hiện chủ trương đồng hành cùng DN để hỗ trợ, gỡ vướng cho DN, kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tương lai.

Thành phố hiện có 76 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư khoảng 656,7 triệu USD. Các dự án thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, HongKong, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… đầu tư trên các lĩnh vực chế biến công nghiệp thủy sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ về ô tô, khách sạn, sản xuất hàng may mặc, kinh doanh bất động sản, gia công chế biến… Xét về qui mô, các dự án FDI đầu tư vào thành phố còn khá khiêm tốn, chưa có dự án công nghệ cao. Song, nhà đầu tư trong nước hiện rất quan tâm đến Cần Thơ và số lượng DN đến đầu tư, dự án đang hoạt động xin điều chỉnh tăng vốn… là nguồn lực quan trọng tạo nên bức tranh mới, sinh động cho sự phát triển kinh tế của thành phố.

Phát triển dựa vào nội lực

Theo bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, thành phố đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù cho thành phố và công tác này đang ở chặng cuối. Khi có nghị định, thành phố sẽ ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư. “Sở KH&ĐT đang chuẩn bị dự thảo một số nội dung về thu hút đầu tư để “đón đầu” chính sách. Khi thành phố có chủ trương chung, sẽ ráp vào nội dung do sở chuẩn bị và có thể ban hành nhanh cơ chế thu hút đầu tư của thành phố”- bà Thúy cho biết.

Trên thực tế, chính quyền thành phố đang có những chuẩn bị về đất đai, đầu tư hạ tầng và với tinh thần trách nhiệm trong đồng hành cùng DN đang triển khai hiệu quả thì những thuận lợi này sẽ giúp thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào thành phố. Bà Lê Dương Cẩm Thúy cho rằng, thời gian qua, những khó khăn về hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ cũng làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Cần Thơ có sân bay, nhưng chủ yếu chuyên chở hành khách; Chính phủ quyết tâm làm đường cao tốc để giải quyết bài toán nút thắt về hạ tầng cho ĐBSCL, nhưng đường cao tốc chỉ mới có từ TP Hồ Chính Minh- Trung Lương, đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận cũng đang gặp khó, đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ đang chọn nhà thầu. Nếu giải quyết sớm nút thắt này, các địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ sẽ có nhiều cơ hội phát triển mới.

Nhận định về vị trí, vai trò trung tâm của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho rằng, thành phố cần thay đổi chiến lược tiếp cận để phát huy lợi thế, tiềm năng. Về quy hoạch, hạ tầng cơ sở Cần Thơ được đầu tư khá hoàn thiện nhưng điểm nghẽn của ĐBSCL là cửa ngõ xuất khẩu- luồng cho tàu lớn vào các cảng biển trên địa bàn Cần Thơ vẫn còn khó khăn. Đây là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, nếu thông luồng thì cơ hội xuất khẩu trực tiếp nhiều hơn. “Cần Thơ là trung tâm vùng và để thực hiện vai trò trung tâm đòi hỏi có hạ tầng hoàn chỉnh. Thành phố được đầu tư cảng biển, sân bay, hệ thống logistics cũng được quy hoạch. Khi thành phố đầu tư logistics hoàn chỉnh, dịch vụ tốt thì đương nhiên các DN của các tỉnh trong vùng sẽ đổ về đây xuất khẩu hàng hóa. TP Cần Thơ sẽ là trung tâm về thương mại- dịch vụ. Các DN, nhà đầu tư đến đây để trao đổi hàng hóa, thanh toán quốc tế; giao dịch, luân chuyển... giúp Cần Thơ hình thành trung tâm kinh tế của vùng”- ông Lam nhận định.

Sự chuẩn bị tốt về nội lực, cùng với chiến lược tiếp cận đầu tư có mục tiêu cụ thể, Cần Thơ có nhiều triển vọng bứt phá, khẳng định vị trí trung tâm vùng cả về địa chính trị và địa kinh tế.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết