28/06/2012 - 08:26

Tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống

Trước những thách thức do khủng hoảng kinh tế, lạm phát…, thời gian qua, nhiều cơ sở làng nghề truyền thống tại huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) khó trụ vững trên thị trường. Vấn đề này được “mổ xẻ” tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 84 vừa diễn ra tại đây. Các chủ cơ sở làng nghề trao đổi với chuyên gia Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) câu chuyện: đầu ra cho sản phẩm của làng nghề truyền thống!

Không hiệu quả: nhiều người bỏ nghề

Nhiều cơ sở làng nghề của huyện Tân Hồng tham gia giới thiệu sản phẩm trong phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 84 tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. 

Tổ hợp tác Dệt chiếu Hồng Loan, Tổ hợp tác Dệt chiếu Thống Nhất, Cơ sở Võng Bính An Phước... từng đưa hàng sang Campuchia, bán hàng rất tốt, xong những bữa chợ là hết hàng! Gắn bó với nghề dệt chiếu từ nhiều năm nay tại huyện Tân Hồng, bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ Cơ sở Dệt chiếu Hồng Loan, nói: Khoảng 10 năm trước, ở Tân Hồng có 10 cơ sở dệt chiếu. Bây giờ còn lại duy nhất Cơ sở Dệt chiếu Hồng Loan. Nghề dệt chiếu thăng trầm do hạn chế về đầu ra, thu nhập thấp nên nhiều hộ không còn thiết tha với nghề nữa. Ngay trong cơ sở của bà, lao động cũng nghĩ như vậy. Những người lành nghề đã bỏ đi. Thậm chí 50 người cùng học một lớp với bà thì 49 người đã bỏ nghề. Chỉ còn bà Loan ráng cầm cự. Nghề dệt chiếu đòi hỏi người thợ cần mẫn, điêu luyện và sáng tạo để làm ra những sản phẩm hợp nhu cầu thị trường. Hiện tại cơ sở Dệt chiếu Hồng Loan có 2 máy dệt chiếu, với 5 lao động chính, mỗi ngày làm ra 16 chiếc chiếu. Trong 3 loại chiếu: ô cờ, chà niên và chiếu biển có kích cỡ, mẫu mã và hoa văn khác nhau. Các loại chiếu này có giá bán từ 80.000 đồng đến trên dưới 150.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi chiếc chiếu, người thợ dệt lãi khoảng 10.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ Tổ hợp tác Dệt chiếu Thống Nhất, gốc dân Định Yên, làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, đến lập nghiệp ở Tân Hồng, ông mong muốn phát huy hơn nữa nghề dệt chiếu của địa phương, từng bước cải tiến sản phẩm, đầu tư mua máy dệt để chất lượng sản phẩm làm ra sắc sảo hơn. Mỗi tháng các cơ sở sản xuất ra hàng trăm chiếc chiếu chủ yếu tiêu thụ tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện và vùng nông thôn, chưa thể vươn xa và chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ông Hoàng biết nghề này đòi hỏi người dệt chiếu phải sáng tạo và năng động hơn, tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh khi nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Bà Tống Thị Tuyết, nguyên cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, cho biết: Do mỗi cơ sở tự thân vận động, áp dụng theo bí quyết riêng, mỗi người làm một kiểu và tự xây dựng năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường cung ứng riêng nên sản phẩm chưa tìm được điểm chung để phát triển. Nghề làm võng cũng gặp không ít thăng trầm. Hiện tại còn 30-40 người thợ làm võng ở các xã như: Tân Thành A, An Phước... nhưng phân tán, nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, tiền công một chiếc võng chỉ khoảng 15.000 đồng.

Tìm “đầu ra”!

Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương cần xác định mục tiêu: Hợp tác giữa những nông hộ riêng lẻ để chuẩn bị cho từng sản phẩm tham gia thị trường chất lượng cao và giá trị khác biệt là tiêu chuẩn số 1; lấy uy tín làm nền tảng xây dựng thương hiệu, quảng bá theo kiểu truyền khẩu... hoặc kết nối những cơ hội, chú ý chia đều cho những tác nhân trong chuỗi giá trị. Bà Tống Thị Tuyết, nguyên cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, cho biết: Nguyên liệu tại chỗ khá dồi dào và ổn định, đủ sức cung ứng tốt nhu cầu sản xuất cho làng nghề.

Thông qua phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, các cơ sở làng nghề của huyện Tân Hồng tham gia với mong muốn quảng bá hình ảnh sản phẩm, tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu cho làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan từng hỗ trợ vốn để các làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo và áp dụng mô hình chuyển giao công nghệ cho các cơ sở làng nghề. Nhưng cái vướng lớn nhất của các cơ sở làng nghề ở Tân Hồng là sản xuất cùng một ngành hàng nhưng sản phẩm đơn điệu. Thêm vào đó, việc sử dụng nguyên liệu thô nhiều hơn việc nghiên cứu làm ra mẫu mã tinh tế, đa dạng minh chứng trình độ sử dụng tài nguyên, làng nghề chưa được trang bị kiến thức thị trường. Và giới hạn chính của các cơ sở làng nghề truyền thống là sản phẩm quanh quẩn chợ xã, chợ huyện. Nhưng trái lại, cái hay của những cơ sở làng nghề ở Tân Hồng là vẫn giữ được giá trị “chất phác”.

Các chuyên gia BSA chia sẻ: Nếu kết nối với các khu du lịch sinh thái trong và ngoài địa phương, giữ được nét khác biệt và chọn phân khúc rõ ràng thì sản phẩm làng nghề Tân Hồng sẽ bán nhanh hơn.

MỸ HOA

Chia sẻ bài viết