16/01/2025 - 08:36

TikTok “bít cửa” tại Mỹ? 

Tổng thống Joe Biden hồi năm ngoái đã ký đạo luật cho phép cấm mạng xã hội TikTok tại Mỹ nếu công ty mẹ Bytedance không thoái vốn khỏi ứng dụng video này trước ngày 19-1-2025, tức chỉ một ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng TikTok gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu về người dùng Mỹ hoặc thao túng nội dung mà người dùng nhìn thấy.

TikTok đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Khi lệnh cấm có hiệu lực, người dùng mới không thể tải TikTok từ các chợ ứng dụng như App Store và Play Store, còn người dùng hiện tại vẫn có thể truy cập và sử dụng ứng dụng nhưng họ không thể cập nhật vì luật cấm bất kỳ pháp nhân nào tạo điều kiện cho việc tải về và bảo trì ứng dụng. Theo thời gian, khi không được cập nhật phần mềm và bảo mật, ứng dụng sẽ dần vô dụng. Trang web TikTok cũng sẽ không khả dụng thông qua các dịch vụ lưu trữ Internet có trụ sở tại Mỹ.

Lệnh cấm khi có hiệu lực được cho sẽ đe dọa sinh kế của hàng triệu người sáng tạo nội dung tại Mỹ và có khả năng khiến người dùng đổ xô đến các ứng dụng mạng xã hội tương tự. Theo hãng tin AFP, các nhà sáng tạo nội dung Mỹ đã tìm đến ứng dụng mạng xã hội Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu, hay còn gọi là RedNote) của Trung Quốc như một nền tảng thay thế cho TikTok. Chỉ trong ngày 14-1, lượt tải xuống của Tiểu Hồng Thư tăng vọt và đứng đầu danh sách tải xuống của App Store.

Song, TikTok, có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, khẳng định việc thoái vốn không khả thi về công nghệ, thương mại hay pháp lý. Trong khi đó, một số nhà lập pháp xứ cờ hoa đang thúc giục Tổng thống Biden và Tòa án Tối cao Mỹ trì hoãn lệnh cấm, bởi họ cho rằng nó sẽ gây hại đến quyền tự do ngôn luận của hàng triệu người Mỹ. Hôm 13-1, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey cho biết ông dự định giới thiệu đạo luật nhằm cho TikTok thêm 270 ngày để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance nhằm tránh phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ. “Những người sáng tạo nội dung và người dùng TikTok trên toàn quốc đều lo lắng. Họ không chắc chắn về tương lai của nền tảng này, về tài khoản của họ và về các cộng đồng trực tuyến sôi động mà họ đã vun đắp. Những cộng đồng này không thể được sao chép trên một ứng dụng khác. Lệnh cấm sẽ phá hủy một hệ sinh thái thông tin và văn hóa độc nhất vô nhị” - ông Markey cho biết trong một tuyên bố.

Mặt khác, ông Markey cũng đã cùng thượng nghị sĩ Rand Paul và hạ nghị sĩ Ro Khanna đệ trình một bản tóm tắt yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược quyết định của tòa án cấp dưới về việc duy trì lệnh cấm đối với TikTok. Họ lập luận rằng “có nhiều biện pháp ít quyết liệt hơn có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề về bảo mật dữ liệu mà không vi phạm các quyền hiến định”. “Lệnh cấm TikTok không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận của hàng triệu người Mỹ mà còn gây nguy hiểm cho sinh kế của những người sáng tạo nội dung và chủ doanh nghiệp nhỏ sử dụng ứng dụng này. Chúng ta cần luật pháp để bảo vệ dữ liệu của người Mỹ nhưng lệnh cấm TikTok không phải là câu trả lời hợp lý” - ông Khanna nhấn mạnh.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Biden có thể gia hạn cho TikTok thêm 90 ngày nếu như ông nhận thấy ByteDance “tiến bộ” trong việc thoái vốn. USA Today cho biết hiện tổ chức phi lợi nhuận Project Liberty của tỉ phú Frank McCourt đã ngỏ lời mua lại nền tảng mạng xã hội này từ ByteDance. Nếu thương vụ thành công, Project Liberty và các đối tác sẽ tái cấu trúc ứng dụng này để tồn tại trên một nền tảng do người Mỹ sở hữu và ưu tiên sự an toàn kỹ thuật số đối với người dùng.

Trước đó, Bloomberg News dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đang cân nhắc việc bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho nền tảng mạng xã hội X của tỉ phú Elon Musk. Song, TikTok hôm 14-1 khẳng định thông tin này là “hoàn toàn hư cấu”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết