06/07/2009 - 20:19

Tiêu xuất khẩu đang cần thương hiệu

Tiêu là mặt hàng xuất khẩu ít bị tác động của khủng hoảng kinh tế.
Ảnh Argo.gov.vn

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu đạt 66.000 tấn, kim ngạch 153 triệu USD, tăng tới 139,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị lại giảm 8,5%, do giá tiêu trên thế giới giảm. Nhưng hiện giá tiêu đen bình quân xuất khẩu đã tăng nhẹ lên 2.000-2.100 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2006 đến nay còn 1.999 USD/tấn hồi tháng 5-2009...

Không chỉ tăng giá mà sản lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng tăng. Nhờ đó, trong tháng 6-2009, giá thu mua tiêu trong dân cũng tăng lên 35.000-36.000 đồng/kg, cao hơn 10-20% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với thời điểm giá cao nhất hồi năm 2008, giá tiêu trong nước đã giảm gần 50%.

6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu số lượng lớn tiêu, nên lượng tiêu còn lại trong dân không nhiều. Trong 6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu tiêu có khả năng khoảng hơn 30.000 tấn. Nguồn cung tiêu trên thị trường thế giới giảm, trong khi một số nước không thể tự sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Ở Ấn Độ, một trong những nước sản xuất tiêu lớn trên thế giới, nhưng nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng ở mức rất cao, ước khoảng 50.000 tấn/năm, nên đang khan hiếm nguồn cung. Tình hình này, có thể Ấn Độ phải nhập khẩu tiêu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hơn nữa, tiêu là sản phẩm xuất khẩu ít bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, giá tiêu thời gian tới có thể tăng cao trở lại theo quy luật cung cầu.

Vài năm qua, Việt Nam đã vượt Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, với khối lượng xuất khẩu hằng năm lên tới gần 100.000 tấn, chiếm một nửa lượng tiêu giao dịch trên thế giới. Năm ngoái, xuất khẩu tiêu đạt gần 90.000 tấn, đạt kim ngạch 310 triệu USD. Vụ mùa năm nay cũng đã kết thúc với năng suất khá cao, tổng sản lượng tiêu đạt khoảng 95.000 tấn, tăng 4.000 tấn so với năm 2008. Vấn đề là các doanh nghiệp hiện chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sơ chế, không có thương hiệu, nên giá bán thường thấp hơn so với các nước khác (giá tiêu Việt Nam thường thấp hơn 200-500 USD/tấn so với các nước khác). Dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu tiêu, nhưng Việt Nam không thể làm chủ được giá thị trường, khiến cho ngành tiêu thất thoát khoản ngoại tệ lớn. Nhiều nước khác thường mua tiêu của Việt Nam về chế biến, rồi gắn thương hiệu của họ để bán với giá cao.

6 tháng đầu năm nay, hầu hết các nước nằm trong nhóm 15 thị trường nhập khẩu tiêu lớn của Việt Nam đều là những bạn hàng truyền thống, chủ yếu là Mỹ, Đức, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... Năm ngoái, Mỹ là thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu tiêu Việt Nam cao nhất, với 130,3% (đạt 46,75 triệu USD), vươn lên đứng đầu từ vị trí thứ ba năm 2007. Các nhà nhập khẩu từ Canada và châu Âu cũng quan tâm hơn tới tiêu Việt Nam.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là các cơ quan chức năng cần chủ động điều tiết hạn chế lượng xuất khẩu trong giai đoạn này để đẩy giá cao hơn vào những tháng cuối năm 2009. Theo các chuyên gia, giá tiêu xuất khẩu hợp lý nhất tối thiểu phải đạt tới 2.800 USD/tấn. Để có sức mạnh chi phối giá cả trong vai trò là nhà xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu đầu tư công nghệ chế biến, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm tiêu Việt Nam.

N.MINH

Tiêu là mặt hàng xuất khẩu ít bị tác động của khủng hoảng kinh tế. Ảnh Argo.gov.vn

Chia sẻ bài viết