31/12/2008 - 07:47

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, ngăn chặn suy giảm kinh tế

* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên lĩnh vực giao thông vận tải

Sáng 30-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2009 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong năm 2008 đã thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Trong việc thực hiện nhóm giải pháp số 1 là thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng linh hoạt, ngành ngân hàng có ý nghĩa quyết định trong việc tham mưu và nòng cốt thực hiện. Thắt chặt tiền tệ nhưng đảm bảo thanh khoản của ngân hàng và vốn vay cho đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển nông nghiệp... phù hợp với thực tiễn của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và biến động nhưng ngành vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, vốn tăng, công nghệ được hiện đại, đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực trình độ, đồng thời luật pháp về quản lý được nâng cao phù hợp thực tiễn và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vừa tạo điều kiện cho ngành vừa quản lý chặt chẽ hơn. Ngành Ngân hàng đã đóng góp quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng của năm 2008 - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ năm 2009, Thủ tướng đề nghị ngành xác định rõ trọng tâm để tập trung sức mạnh tổng hợp cùng với cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, ngành cần bám sát 5 nhóm giải pháp của Chính phủ là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư các công trình có hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành thực hiện có hiệu quả các chính sách tiền tệ, nhất là các nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, các chính sách tài chính cho phục vụ nông nghiệp, nông thôn... Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nắm chắc tình hình của hệ thống, kinh tế trong nước và thế giới để điều hành tỷ giá và lãi suất phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng. Do vậy, trong điều kiện hiện nay, cần phải tính toán lãi suất cho phù hợp để doanh nghiệp phát triển và ngành huy động được vốn. Thủ tướng cũng đề nghị ngành tăng cường công tác thanh tra nhằm lành mạnh hệ thống, vốn, chất lượng tín dụng, năng lực quản trị... đặc biệt là xử lý nợ xấu đang có chiều hướng tăng lên. Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là hoàn thiện các dự án Luật: Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi và Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng nhằm tạo khung pháp lý tạo điều kiện cho ngành phát triển. Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng là tổ chức kinh doanh đặc biệt, Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ vừa đảm bảo hoạt động năng động trong cơ chế thị trường vừa đảm bảo an toàn của hệ thống phục vụ tích cực phát triển kinh tế-xã hội. Ngành quan tâm cải cách hành chính, hiện đại hệ thống, đào tạo, chủ động trong công tác thông tin, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng... - Thủ tướng lưu ý.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế hiệu quả lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước những tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát của nước ta, từ tháng 7-2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các giải pháp linh hoạt để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế như: điều chỉnh linh hoạt lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, từng bước giảm dần lãi suất cơ bản và các mức lãi suất khác phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất cơ bản.

Hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời xây dựng và trình Thường trực Chính phủ thông qua phương án bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thành lập các tổ công tác xử lý những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai địa bàn lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

* Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 của ngành giao thông vận tại do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 30-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước ngành, nhất là thể chế, cơ chế trên lĩnh vực đầu tư, trật tự an toàn giao thông, vận tải...

Đánh giá cao những đóng góp của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2008 ngành đã tạo được chuyển biến rõ nét về an toàn giao thông, nhất là giảm thiểu tai nạn và thực hiện đội mũ bảo hiểm, giải ngân hiệu quả trong đầu tư hạ tầng giao thông, đóng góp rất quan trọng về duy trì tăng trưởng và giải quyết việc làm, vận tải đều vượt kế hoạch và giữ ổn định giá, các doanh nghiệp thi công và cơ khí trong ngành có bước phát triển... góp phần cùng cả nước đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Sau khi quán triệt các giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt quan tâm xây dựng thể chế, cơ chế từ đầu tư xây dựng cơ bản, huy động vốn, trật tự an toàn giao thông... để sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác qui hoạch, thanh tra kiểm tra bảo đảm chất lượng, hiệu quả của các công trình đầu tư. Ngành phải tập trung làm tốt công tác giải ngân đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình hạ tầng. Tiếp tục tập trung chỉ đạo an toàn giao thông, đặc biệt là quan tâm an toàn giao thông đường hàng không, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ và thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy... Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, sắt, hàng không, phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành phát huy lợi thế về nguồn lực, vốn nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn để doanh nghiệp duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động và cơ cấu lại ngành nghề, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp...

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết