22/10/2023 - 10:47

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp 

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường là 165.240 DN, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần bình quân giai đoạn 2018-2022. Ðiều này chứng tỏ nền kinh tế đang chuyển biến tốt hơn, nhưng các dự báo tăng trưởng kinh tế của nhiều tổ chức quốc tế vừa công bố đều hạ điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi nguy cơ suy giảm tổng cầu ở các nền kinh tế lớn có thể tiếp diễn, tình hình tài chính tiền tệ khó dự báo. Ðây là bài toán khó cho điều hành kinh tế của Việt Nam.

DN cần hỗ trợ để tăng tốc xuất khẩu cuối năm. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Southvina (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Cần Thơ).

Khó khăn vẫn tiếp diễn

Mặc dù số DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng so cùng kỳ 9 tháng năm 2022, nhưng tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế giảm đến 34,2% so cùng kỳ (9 tháng năm 2023 là trên 2,57 triệu tỉ đồng). Trong đó, vốn đăng ký của DN thành lập mới hơn 1,08 triệu tỉ đồng, giảm 14,6%; số DN tăng vốn cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022 (số vốn tăng thêm trên 1,48 triệu tỉ đồng, giảm 8,1%). Trong tổng số 116.342 DN thành lập mới thì có tới 90,9% có quy mô nhỏ, tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2022; bình quân vốn/DN chỉ 9,3 tỉ đồng, giảm 17,2%. Bên cạnh đó, trong 9 tháng, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2022, với 135.105 DN…

Có thể nói, năm 2023 là năm có rất nhiều thách thức với cộng đồng DN. Việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí sản xuất tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản... trở thành những lực cản lớn với DN trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2023 cũng là năm kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, nhưng một số chính sách hỗ trợ người dân và DN còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thống kê sơ bộ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt hơn 95.700 tỉ đồng. Trong đó: giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội 21.019 tỉ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác với khoản vay có lãi suất 6%/năm là 2.623 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khoảng 3.679,3 tỉ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của DN, hợp tác xã, hộ gia đình khoảng 781 tỉ đồng (doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 57.000 tỉ đồng cho hơn 2.100 khách hàng). Ðã miễn, giảm các loại thuế, phí là 60.243 tỉ đồng; gia hạn các loại thuế (thuế thu nhập DN, VAT, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất 110.919 tỉ đồng… Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỉ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175.217 tỉ đồng. Số vốn giải ngân từ Chương trình tính đến ngày 30-9-2023 theo Bộ Tài chính đạt khoảng 49.740,2 tỉ đồng…

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung về tổng cầu thế giới và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm thì Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 được xem là chiếc phao hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, thách thức. Song thực tế triển khai còn nhiều hạn chế, phát sinh các vấn đề mới cần xin ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ nên có khi gây thêm chi phí không cần thiết cho DN; nhiều cách hiểu còn tương đối thận trọng nên chính sách hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân rất thấp (kế hoạch hỗ trợ đến 40.000 tỉ đồng)… Lẽ đó, khi đánh giá tổng thể hiệu quả Chương trình cần đánh giá đầy đủ, có sự tham gia của DN, chuyên gia… để nhận định chính xác, khách quan hơn về dư địa tài khóa và tiền đề hiện nay. Trên cơ sở đó có thể nghiên cứu đề xuất một chương trình phục hồi kinh tế mới cho 2 năm tiếp theo (2024-2025), bởi kinh tế thế giới vẫn chưa sáng màu.

Cần các động lực mới

Những khó khăn của DN được thể hiện rõ nét qua các chỉ số kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2023. Ðơn cử như, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong 9 tháng chỉ tăng 1,65% so cùng kỳ năm 2022. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6% so cùng kỳ; trong khi tỷ lệ tồn kho bình quân 9 tháng là 85,3% (bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%). Số lao động làm việc tại DN công nghiệp tại thời điểm 1-9-2023 giảm 1,9% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của DN đều sụt giảm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể là: kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 60,7 tỉ USD, giảm 18%; thị trường EU đạt 21,6 tỉ USD, giảm 10,7%; thị trường Nhật Bản 1,3 tỉ USD; Trung Quốc 36,9 tỉ USD, giảm 26,6%...

Theo khảo sát của S&P Global, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng 2 tháng liên tiếp (tháng 8 và 9), nhưng vẫn còn một số công suất dư thừa trong ngành sản xuất. Ðiều này có nghĩa là các DN tiếp tục giảm việc làm và thu hẹp sản lượng một ít. Ngành sản xuất Việt Nam vẫn đang ở “ngã ba đường”, nếu nhu cầu tiếp tục tăng lên trong các tháng cuối năm sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành sản xuất. Song, nếu sự phục hồi của đơn hàng mới mất đà, các DN sẽ cân nhắc mở rộng sản xuất.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngoài các chính sách hỗ trợ thì việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua các khó khăn, thách thức. Từ đó có thể góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để tăng bơm tiền vào nền kinh tế, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN vẫn kém, tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng. Với các khó khăn về thị trường hiện tại, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động. Vì vậy, cần kích cầu tiêu dùng trong nước, có thêm chính sách hỗ trợ thị trường xuất khẩu. Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút, đón đầu các dòng vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao để tạo đà phát triển cho các năm tới.

Bài, ảnh: GIA BẢO  

 

Chia sẻ bài viết