14/01/2024 - 10:56

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt 

Năm 2024, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khoảng 15%, có điều chỉnh tùy tình hình thực tế. Kết thúc năm 2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022, gần chạm mục tiêu 14% mà NHNN đặt ra. Vốn tín dụng tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh… Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng nỗ lực thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy các gói tín dụng hỗ trợ theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Vốn tín dụng luôn ưu tiên hướng vào sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế

Năm 2023, NHNN đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; cùng với các tác động bất lợi từ bên ngoài (tỷ giá, lãi suất thế giới neo ở mức cao, lạm phát cao ở nhiều nền kinh tế…), nên tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chưa đạt mục tiêu đề ra.

Song, theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế. Đến ngày 31-12-2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,56 triệu tỉ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022 (năm 2022, tín dụng tăng 14,18%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết năm 2023 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Lạm phát nhiều nền kinh tế ở mức cao, nên nhiều ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Các yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước cũng tạo nên áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ…

Dù vậy, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kết thúc năm 2023, ngành ngân hàng đã đạt chỉ tiêu và mục tiêu đề ra. Sự chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều hành tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% của Quốc hội đặt ra). Dự trữ ngoại hối tăng trở lại, tỷ giá ổn định, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%. Mặt bằng lãi suất đã được đưa về mức trước đại dịch COVID-19, lãi suất tiền gửi và cho vay mới đã giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022. 

Theo lãnh đạo NHNN, năm qua, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. An toàn hệ thống tiếp tục được giữ vững. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ngành ngân hàng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính…

Năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng mạnh từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán. Hiện nhiều hoạt động ngân hàng đã được số hóa 100% như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán…, qua đó góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế.

Cần hợp sức từ nhiều phía

Cũng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, lãnh đạo các ngân hàng thương mại thống nhất cao với kế hoạch NHNN năm 2024; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động ngành ngân hàng tốt hơn trong năm mới.

Lãnh đạo Agribank nhận định, năm 2023, lạm phát, tỷ giá là bài toán đau đầu của các nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát tốt lạm phát. Agribank đã tập trung lấy khách hàng là trung tâm và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, năm 2023, ngân hàng đã 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất, với mức hỗ trợ cho khách hàng khoảng 4.850 tỉ đồng. Agribank cũng triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng cũng rất mong NHNN đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại; Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đẩy mạnh gỡ khó cho bất động sản… để hỗ trợ ngân hàng hoạt động tốt hơn.

Còn ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, năm 2023 tăng trưởng tín dụng của đơn vị đạt 15,6%, ngân hàng đã cung cấp khoảng 200.000 tỉ đồng ra nền kinh tế. Xác định khách hàng là trung tâm, VietinBank tập trung tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin… để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn.

Theo lãnh đạo NHNN, năm 2024, kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, bất định; kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với cầu thế giới phục hồi chậm. NHNN sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Năm 2024, định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Năm 2023, đất nước đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngân hàng. Năm 2024, còn nhiều khó khăn, bất định. Thủ tướng đề nghị NHNN không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ; không để ách tắc lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế; không để người dân và doanh nghiệp thiếu vốn; không để tiêu cực trong hệ thống ngân hàng. Đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để phát triển an toàn, bền vững và bao trùm. Ngành ngân hàng đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN phải bám sát các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hóa hoạt động ngành ngân hàng trong năm 2024, giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Bài, ảnh: GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết