13/05/2009 - 09:39

Thực hiện Quyết định số 157 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ

Tiếp sức cho những ước mơ

Sau hơn 1 năm rưỡi tổ chức thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), toàn thành phố đã có hơn 13.000 HSSV được vay vốn để phục vụ học tập. Trong thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, sớm đưa đồng vốn vay đến HSSV, giúp các em có thêm điều kiện để theo đuổi ước mơ học tập của mình…

* Cộng đồng trách nhiệm

Ngay khi Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hiệu lực (ngày 1-10-2007), Ban Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai rộng rãi đến các cơ quan liên quan: Các cơ sở đào tạo, các phòng giao dịch trực thuộc, chính quyền địa phương và HSSV. Xác định đây là chủ trương đúng, thiết thực hỗ trợ HSSV vượt qua khó khăn, có điều kiện để học tập, Ban giám đốc Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách, tiến hành thủ tục theo đúng quy trình, đồng thời chủ động rút ngắn thời gian chờ đợi cho HSSV (nếu hồ sơ đầy đủ, trong vòng 3 ngày làm việc, ngân hàng sẽ giải ngân, sớm hơn 3 đến 5 ngày so quy định). Việc bình xét, xác nhận phải tổ chức thực hiện từ cơ sở, nên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ nhiều phía, như tăng cường phối hợp, chủ động rút ngắn thời gian bình xét chọn đối tượng, lập thủ tục..., nên công tác giải ngân luôn nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Cán bộ phòng Giao dịch quận Ô Môn (trực thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ) giải ngân vốn vay HSSV cho một số hộ gia đình ở phường Phước Thới. Ảnh: THANH NHỊ 

Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ Hội Phụ nữ phụ trách Tổ tiết kiệm và vay vốn ở phường An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: “Xác định đây là chủ trương ưu đãi dành cho HSSV là con em những gia đình khó khăn, nên khâu xác nhận giấy tờ được giải quyết ngay tại chỗ. Nếu có vướng mắc, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động liên hệ với cán bộ ngân hàng để tháo gỡ. Vì vậy, tất cả các đối tượng được chọn vay vốn đều đúng đối tượng; giải ngân không xảy ra thắc mắc, khiếu nại”. Ông Phan Hồng Nam, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Công tác lập thủ tục cho vay HSSV trên địa bàn thành phố gặp nhiều thuận lợi, do có sự phối hợp cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía. Việc giải ngân được thực hiện tại điểm giao dịch xã, phường, nên tiết giảm chi phí cho người vay, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh, được người dân đồng tình.

Theo kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về cho vay HSSV trên địa bàn thành phố (từ ngày 7 đến ngày 11-4-2009), công tác này được đánh giá là nghiêm túc, hiệu quả. Kết luận kiểm tra nêu rõ: “Qua thực tế kiểm tra tại các hộ vay, cho thấy đều đúng đối tượng và được bình xét từ cơ sở; không có hiện tượng tiêu cực, trù dập, không có trường hợp người vay đủ điều kiện không được vay vốn; thủ tục vay được thực hiện đúng quy trình, nhanh chóng, thuận lợi, chính xác. Kết quả cho vay, như mức vay, dư nợ, thời hạn vay đều được công khai tại cơ sở”.

* Tiếp sức cho những ước mơ

Tính đến hết tháng 4-2009, trên địa bàn thành phố đã 13.064 HSSV trong đó có 29 HSSV diện mồ côi được vay, số tiền 130,2 tỉ đồng, để phục vụ học tập; trong đó, chủ yếu là SV đại học, cao đẳng (chiếm hơn 73%), nhiều nhất HSSV ở huyện Vĩnh Thạnh và quận Ninh Kiều. Hầu hết các bậc phụ huynh đều phấn khởi, vì không phải lo chạy tiền đóng học phí cho con em – khoản tiền không nhỏ so với thu nhập ít ỏi của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hùng, ở thị trấn Thạnh An, bộc bạch: “Năm 2008, khi hay tin con trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ, lòng thì mừng nhưng bụng lo đến không ngủ được, vì không biết chạy đâu ra tiền cho con nhập học. Ngay lúc ấy, Nhà nước có chủ trương cho HSSV vay tiền đi học, tôi mừng hết biết. Giờ mỗi tháng con tôi được vay 800.000 đồng, tạm đủ trang trải chi phí học hành, gia đình chỉ phụ thêm chút đỉnh”.

Còn đối với HSSV, việc được vay tiền để phục vụ học tập, đã giúp các em không phải bươn chải làm thêm để có tiền ăn học khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Với em Nguyễn Văn Hiền, nhà ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, thì khoản tiền vay này càng trở nên có ý nghĩa hơn, giúp em có điều kiện để theo đuổi hoài bão trở thành một kỹ sư xây dựng sau 4 năm nữa. Cha đau bệnh hoài, cuộc sống gia đình chủ yếu chỉ do một tay mẹ Hiền lo toan. Hiền dự định tốt nghiệp cấp III không thi đại học mà sẽ đi làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho hai em ăn học. Thế nhưng, các cô chú ở phường đến động viên Hiền thi đại học, nếu đậu sẽ đề nghị ngân hàng cho vay tiền để học. “Nếu không được vay vốn học tập, chắc rằng con đường học vấn của em đã bị dở dang. Em mong sẽ có thêm nhiều bạn sinh viên khó khăn như em được xem xét cho vay tiền để học tập”- Nguyễn Văn Hiền nói.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về tín dụng HSSV trên địa bàn TP Cần Thơ, hiện nay thành phố vẫn còn nhiều HSSV có gia cảnh khó khăn, cần vay vốn phục vụ học tập. Để đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ đang có kế hoạch tiếp nhận thêm một số nguồn vốn, để phục vụ nhu cầu này của HSSV trên địa bàn. Ông Phan Hồng Nam, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Theo kế hoạch, năm 2009, dư nợ đạt 167,92 tỉ đồng cho HSSV ở TP Cần Thơ vay, tăng 70 tỉ đồng so với năm 2008. Ngoài ra, trong tháng 6-2009, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh TP Cần Thơ sẽ có kế hoạch bổ sung nguồn vốn cho HSSV vay. Hiện nay, các cơ quan có liên quan đang phối hợp tiếp tục rà soát, lập danh sách HSSV có nhu cầu, chuẩn bị thủ tục, để giải ngân ngay đầu học kỳ I năm học 2009- 2010.

NGUYỄN THANH

Chính sách tín dụng đối với HSSV được áp dụng để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường, bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Đối tượng được vay vốn: HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc các đối tượng: hộ nghèo, hộ có thu nhập bình quân đầu người bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian đi học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

(Nguồn Quyết định số 157/QĐ- TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ  về tín dụng đối với học sinh, sinh viên).

Chia sẻ bài viết