30/04/2010 - 09:34

Tiếp bước cha anh

Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ mùa xuân 1975, mùa xuân đại thắng đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cả dân tộc: đất nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do. Dưới bầu trời thanh bình ấy, một thế hệ mới đã trưởng thành, đang tiếp bước và phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của cha anh để dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp...

1. Tôi gặp Vi Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, quận Ninh Kiều, vào những ngày cuối tháng Tư. Sau buổi đi cơ sở vận động bà con treo cờ, treo đèn lồng, làm vệ sinh lề đường... chuẩn bị đón lễ 30-4, chị tranh thủ về cơ quan, xem xét, ký các giấy tờ hành chính giải quyết nhanh công việc cho người dân. Công việc bận bịu không làm mất vẻ tươi tắn và nụ cười trên gương mặt người nữ cán bộ trẻ. Chị bộc bạch: “Mỗi ngành nghề đều có những khó khăn vất vả riêng. Khi tham gia công tác địa phương, Kiệt muốn góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp để xứng đáng với những hy sinh của bao lớp người đi trước để thế hệ như Kiệt có cuộc sống hòa bình như hôm nay”.

Tốt nghiệp đại học Luật năm 2004, Vi Anh Kiệt vào làm việc tại UBND phường Tân An, giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ. Để thu hút đông chị em vào tổ chức Hội và khơi dậy phong trào, chị tăng cường đến các chi, tổ Hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên để xây dựng các mô hình thiết thực; chỉ đạo các Chi hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, với nhiều hình thức như: Hỗ trợ vốn, phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nữ, giới thiệu các chị em vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp... giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo. Sau hai năm gắn bó với phong trào phụ nữ, năm 2006, chị được tổ chức điều động làm cán bộ văn phòng UBND phường. Năm 2008, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được đề bạt làm Phó Chủ tịch phường vào tháng 9-2009.

Do chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý, lại phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ mới, nên những ngày đầu trong vai trò Phó Chủ tịch UBND phường, Vi Anh Kiệt gặp nhiều khó khăn. Vừa học tập kinh nghiệm quản lý điều hành từ những cán bộ lãnh đạo đi trước, chị vừa bám sát cơ sở, gần dân, sát dân, tìm hiểu tình hình, “nết” làm việc của từng cán bộ của các khu vực. Chị còn dành thời gian tham dự nhiều hoạt động ở khu vực, đến tuyến hẻm vận động bà con quét dọn vệ sinh, chỉnh trang đô thị... tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; vận động các em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường tham gia các lớp phổ cập; gần gũi trò chuyện để kịp thời giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo... Trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, chị cùng các đồng chí lãnh đạo phường đã vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hỗ trợ trên 520 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo vui đón Tết. Mới đây, nắm bắt nguyện vọng của bà con, chị đã tham mưu cho lãnh đạo phường tổ chức cho các gia đình có con em vừa nhập ngũ đợt I năm 2010 đến tận đơn vị để thăm, được bà con khen ngợi.

Nhận xét về Vi Anh Kiệt, anh Nguyễn Anh Hoài, Chủ tịch UBND phường Tân An, nói: “Trong công việc, đồng chí Kiệt không ngại khó, thường xuyên đi cơ sở gặp gỡ người dân, biết lắng nghe những lời phê bình thẳng thắn của cán bộ, nhân dân nên có sự tiến bộ nhanh trong công tác”. Chính nhờ phẩm chất đó mà nhiều năm qua, dù ở cương vị nào, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần cùng lãnh đạo UBND phường thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng ủy giao. Chị cho biết: “Tôi đang ôn thi học lên cao học. Tôi luôn tự nhắc mình cố gắng nâng cao trình độ các mặt, học hỏi từ các đồng chí lãnh đạo đi trước và nhân dân để ngày càng tiến bộ hơn trong công tác”.

2. Dáng người đậm, chắc, nụ cười thật hiền, Thượng úy Nguyễn Văn Hải dễ tạo ấn tượng tốt nơi người đối diện bởi phong cách năng động nhưng chững chạc, rắn rỏi. Sinh năm 1974 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Hải đã nuôi chí sau này lớn lên sẽ tiếp bước cha, trở thành bộ đội. Tốt nghiệp đại học, Hải nộp hồ sơ và được Quân khu 9 tuyển dụng. Hoàn thành chương trình đào tạo sĩ quan dự bị, năm 2004, Hải được phân công nhận nhiệm vụ tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Cờ Đỏ, là trợ lý dân quân tự vệ, phụ trách công tác tổ chức, xây dựng và huấn luyện lực lượng này. Nhờ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tháng 7- 2006, Hải được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, cùng thời gian này, anh được phân công làm Trợ lý chính trị, phụ trách công tác chính sách, tuyên huấn.

Hải kể: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính sách thời điểm đó là thực hiện Quyết định số 290 và Quyết định số 188 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chính sách cho những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách. Các cô, chú được hưởng chính sách theo các quyết định này của hệ quân đội đa phần từng tham gia kháng chiến ở cơ sở quân sự địa phương, phần đông đều không còn giấy tờ gốc, mà chỉ còn những người cùng đơn vị xác nhận, nhiều lúc chưa chuẩn xác về mốc thời gian tham gia kháng chiến. Một số cô chú tham gia kháng chiến ở miền Bắc, sau mới vào miền Nam sinh sống... nên việc khảo sát hồ sơ hết sức khó khăn. Nhiều hồ sơ phải mất rất nhiều thời gian để thẩm định. Công việc vất vả, nhưng tôi luôn động viên mình cố gắng vượt qua, thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước để tri ân những người đã cống hiến tuổi xuân, công sức, chịu bao khó khăn, gian khổ để đất nước được độc lập, tự do”. Với quyết tâm “kiên quyết không để sót, chậm trễ đối tượng nào”, những gì bà con chưa rõ trong quá trình thực hiện hồ sơ, anh Hải hướng dẫn chi tiết để hồ sơ được tiến hành nhanh chóng, chính xác, không để bà con phải đi lại nhiều lần. Sự ân cần, chu đáo với nhân dân, hết lòng trong thực hiện nhiệm vụ của anh sĩ quan trẻ đã để lại trong lòng nhiều người dân Cờ Đỏ dấu ấn đẹp, như: Thấy vợ chồng chú Đỗ Hữu Trí (ở thị trấn Thới Lai, thuộc huyện Cờ Đỏ trước đây) tuổi cao, đi lại khó khăn, hoàn cảnh lại neo đơn, anh Hải mang hồ sơ đến tận nhà hướng dẫn; tình nguyện giúp vợ chồng chú liên hệ với các đồng đội cũ... để vợ chồng chú Trí được nhận tiền chi trả theo đúng chế độ. Bên cạnh đó, Hải còn tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cờ Đỏ vận động và tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho cựu quân nhân nghèo; thăm hỏi, động viên tặng quà cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ và hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương; tổ chức và tham gia các hoạt động sinh hoạt, giáo dục chính trị cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị...

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, Thượng úy Nguyễn Văn Hải nhiều năm được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, UBND huyện Cờ Đỏ tặng giấy khen, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2008 và vinh dự được nhận “Huy hiệu Hồ Chí Minh” của Thành ủy trao tặng năm 2009. Anh Hải tâm sự: “Thành tích tôi đạt được có sự giúp đỡ, động viên rất nhiều của chỉ huy và đồng đội. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải cố gắng phấn đấu hơn nữa trong công việc cũng như cuộc sống” ...

3. Tôi đến Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, tìm Trần Minh Luân khi anh đang miệt mài bên bàn làm việc để nghiên cứu sản phẩm mới. Tiếp chuyện với chúng tôi bằng sự cởi mở và thân tình, Minh Luân bộc bạch: “Tôi sinh năm 1979, khi đất nước đã được thống nhất nên không được chứng kiến những năm tháng đấu tranh của cha ông. Nhưng qua những trang lịch sử đã học, qua lời kể của ông bà, cô chú, tôi hiểu rằng để giành được độc lập tự do cho đất nước, có cuộc sống no ấm hôm nay, các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh biết bao xương máu. Chính vì thế, thế hệ trẻ hôm nay phải ra sức làm việc, cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Với suy nghĩ đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Minh Luân luôn cố gắng học tập tốt. Năm 2002, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, vào làm việc tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, anh được phân công làm tổ trưởng ở xưởng sản xuất 3 của Công ty, với nhiệm vụ giám sát, kiểm tra kỹ thuật công nhân sản xuất. Vốn được đào tạo bài bản, lại đam mê nghiên cứu và sáng tạo nên trong quá trình làm việc tại xưởng này, Minh Luân luôn tìm tòi tài liệu nghiên cứu để sáng chế ra sản phẩm mới. Minh Luân kể: “Sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, năm 2005, tôi đã thành công với sản phẩm thuốc giảm đau hạ sốt Hapacol 650 và được Công ty cho đưa vào sản xuất. Chỉ sau thời gian ngắn thuốc Hapacol 650 được thị trường ưa chuộng, công ty đã cho sản xuất với số lượng lớn”. Nhằm phát huy kiến thức và khả năng nghiên cứu, sáng tạo của Luân, đầu năm 2006, Ban Giám đốc Công ty quyết định điều động anh về Phòng Nghiên cứu và Phát triển của Công ty làm việc. Để nghiên cứu, bào chế thêm nhiều sản phẩm có chất lượng, phục vụ cho việc điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe của người tiêu dùng, tranh thủ ngày nghỉ Minh Luân đã theo học lớp Chuyên khoa 1 về chuyên ngành Bào chế công nghiệp dược của Trường Đại học TP HCM mở tại Cần Thơ; tìm tòi tài liệu để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm qua các đồng nghiệp. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, từ năm 2007 đến nay, Minh Luân đã nghiên cứu và cho ra đời hàng chục sản phẩm mới. Nổi bật là các sản phẩm Glumefrom (trị tiểu đường típ 2), Rolizol, Glumevan, Glirit (trị tiểu đường), Glucos (trị đau khớp)...

Với những kết quả đạt được trong quá trình công tác, rèn luyện, từ năm 2006 đến nay, Minh Luân luôn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 11-2007, Minh Luân vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Minh Luân cho biết: “Tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để nghiên cứu ra nhiều sản phẩm giúp bà con trị bệnh hiệu quả, góp phần xây dựng công ty ngày càng phát triển”.

4. Tiếp chúng tôi tại Trung tâm Dịch vụ khoa học nông nghiệp (DVKHNN), thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (NN&SHƯD), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy hào hứng chia sẻ về công việc mới của mình: “Trung tâm này thành lập hơn một năm nay, nhằm giới thiệu và kinh doanh những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp (các kết quả nghiên cứu của các thầy cô trong Khoa) vào thực tế. Đây là công việc vừa mang tính khoa học cũng vừa mang tính kinh doanh, được xem là cầu nối giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp và nhà nông nhằm cụ thể hóa chính sách “Tam nông” của Nhà nước. Tôi rất vui vì mình đang tham gia vào một công việc rất có ý nghĩa”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba và mẹ đều là giáo viên, thế nhưng, những lần về quê, hình ảnh cuộc sống cơ cực, vất vả của người nông dân đã tác động mạnh mẽ đến Đoan Duy. Vì thế, dù đậu vào 3 trường đại học, nhưng anh Duy đã chọn học tại Khoa NN&SHƯD, trường ĐHCT. Năm 1995, anh Duy tốt nghiệp đại học và được giữ ở lại Khoa làm cán bộ giảng dạy. Năm 2000, Duy cùng lúc đón nhận hai niềm vui lớn: được đứng vào hàng ngũ của Đảng và nhận học bổng sang Pháp du học thạc sĩ, ngành Khoa học thực phẩm. Cũng tại nơi này, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Công nghệ sinh học, Vi sinh vật học loại xuất sắc. Trở về nước năm 2008, ngoài công việc giảng dạy, Duy được lãnh đạo Khoa tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Trung tâm DVKHNN.

Đoan Duy tâm sự: “Có cơ hội đi nhiều nước, tôi thấy đời sống của người nông dân mình còn quá vất vả. Vì thế, tôi tự nhủ mình phải có trách nhiệm học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa để giúp đỡ bà con”. Với suy nghĩ đó nên bên cạnh công việc giảng dạy và quản lý Trung tâm DVKHNN, anh Duy còn tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu của anh đặc biệt hướng về bà con nông dân. Hiện tại, anh đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đề tài luận án tiến sĩ của mình về “Truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của cá nhờ vào thông tin di truyền ADN của hệ vi sinh vật thủy sản bằng phương pháp PCR- DGGE (Phản ứng chuỗi polymerase- Phương pháp điện di trên gel biến tính)”, đặc biệt là nghiên cứu phương pháp để có thể dễ dàng xác định nguồn gốc xuất xứ của con cá tra Việt Nam. Anh Duy nói: “Tôi cố gắng đeo đuổi đề tài này vì hiện nay, một số nước tiên tiến rất quan tâm đến xuất xứ, chất lượng sản phẩm... Đề tài thành công sẽ giúp xác định nguồn gốc, góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm của con cá tra Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, tôi cùng một số đồng nghiệp đang thực hiện đề tài “Hoàn thiện qui trình sản xuất mắm cá trắm cỏ” tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, để góp phần cùng địa phương đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi”...

Bên cạnh công tác chuyên môn, với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ Bộ môn CNTP, Đoan Duy quan tâm và thường xuyên cùng tập thể Ban chấp hành Chi đoàn Bộ môn CNTP tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Những buổi họp mặt, sinh hoạt đầu khóa anh thường tranh thủ thời gian để trò chuyện, chia sẻ với các sinh viên, cán bộ trẻ về lý tưởng, những kinh nghiệm trong học tập, nghiên cứu... nhằm động viên các bạn tự tin thể hiện năng lực của bản thân... Nhận xét về Lê Nguyễn Đoan Duy, cô Võ Thị Gương, Bí thư Đảng ủy Khoa NN&SHƯD, cho biết: “Duy là một trong những tiến sĩ trẻ, giỏi, luôn thể hiện vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, uy tín với các đảng viên, đồng nghiệp...”.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Đoan Duy tâm sự: “Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời bình, không phải chịu cảnh bom đạn chiến tranh, vì thế, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình phải luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đạt kết quả tốt nhất để góp phần xây dựng quê hương. Là người nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi cũng sẽ nỗ lực để có thêm nhiều công trình nghiên cứu phục vụ người nông dân tốt hơn, góp phần cải thiện đời sống bà con và xây dựng quê hương ngày càng phát triển”...

HOÀNG - PHƯƠNG - ANH - KHANG

Chia sẻ bài viết