24/04/2011 - 20:48

Tiện ích dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế

Các loại thẻ thanh toán quốc tế ngày càng có nhiều tiện ích.

Việc phát triển dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế của các ngân hàng đang góp phần giảm việc lưu thông ngoại tệ bằng tiền mặt, góp phần xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do. Đây cũng là giải pháp cho các cá nhân có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài, cùng với việc phát triển hệ thống thanh toán thẻ đang góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của chủ thẻ là người nước ngoài đến Việt Nam... Dịch vụ này được các ngân hàng trong nước quan tâm, nhằm tăng thêm những tiện ích cho người sử dụng thẻ.

Khác với các thương hiệu thẻ nội địa như: Connect24, SG 24 (Vietcombank), thẻ đa năng (Đông Á), PasspostPlus (Sacombank), Success (Agribank)... các thương hiệu thẻ thanh toán quốc tế như: Visa, MasterCard, Amex (American Express), JCB được sử dụng và chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Các loại thẻ này có thể sử dụng cho các giao dịch trong các hệ thống thanh toán trực tuyến quốc tế. Mỗi thương hiệu thẻ thanh toán quốc tế đều có 2 loại: “Thẻ ghi nợ” (Debit Card) và “thẻ tín dụng” (Credit Card).

* Nhiều tiện ích

Các loại thẻ thanh toán quốc tế đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Trước nhất là sự tiện lợi khi không phải mang theo tiền mặt, thẻ được chấp nhận ở hầu hết các nước trên thế giới, có thể dùng để mua sắm “online” hay rút ngoại tệ bằng tiền mặt ở nước ngoài. Nhờ vậy, chủ thẻ có thể hạn chế được những rủi ro khi mang tiền mặt và tránh bị giới hạn bởi số tiền mang theo, vì khi mang ngoại tệ ra nước ngoài mỗi người chỉ được tối đa 7.000 USD, nhiều hơn phải khai báo khi làm thủ tục với hải quan. Ông Quách Văn Quang - một Việt kiều Úc, quê ở TP Cần Thơ, cho biết: Việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế theo tôi rất tiện ích, tôi thường dùng để chi trả cho việc mua sắm, đi du lịch ở trong và ngoài nước. Sử dụng thẻ tôi không phải lo lắng với khoản tiền mặt giới hạn được mang theo và việc chi trả bằng thẻ còn là một hình thức thanh toán văn minh, phổ biến trên thế giới.

Nhiều ngân hàng đang có những chương trình ưu đãi cho khách hàng mở thẻ. Đặc biệt, trong điều kiện mua, bán ngoại tệ bằng tiền mặt bị hạn chế, thì việc mở thẻ là giải pháp cho những người có nhu cầu thanh toán các dịch vụ ở nước ngoài. Tại Ngân hàng Á Châu (ACB) - Chi nhánh Cần Thơ, ưu tiên cho khách hàng mở “thẻ tín dụng”. Khách hàng sẽ được bảo hiểm miễn phí từ 3 đến 9 loại bảo hiểm khác nhau; riêng thẻ tín dụng Visa Platinum, mức bồi thường tai nạn du lịch tối đa lên đến 500.000 USD. Tương tự, khách hàng mở thẻ Agribank Visa, Agribank MasterCard của Agribank hay đối với thẻ Cremium Visa và Mastercard của Viettinbank cũng được tặng bảo hiểm. Riêng tại Techcombank, khi khách hàng mở thẻ được tặng một thẻ ghi nợ nội địa.

Ngoài ra, theo một số ngân hàng trên địa bàn thành phố, những năm gần đây nhờ sự phát triển của hệ thống thanh toán thẻ, cũng như hệ thống ATM chấp nhận thẻ, có thể thấy ở những máy có biểu tượng của các thương hiệu thẻ quốc tế, nhất là những nơi tập trung khách du lịch quốc tế như: khu vực có các nhà hàng, khách sạn lớn, Bến Ninh Kiều, khu mua sắm, siêu thị... đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế sử dụng thẻ để chi trả, rút tiền mặt dễ dàng hơn. Chị Lưu Thị Hiền -tiểu thương ở chợ Cần Thơ, khu vực Bến Ninh Kiều, quận Ninh Kiều, cho biết: Do đặc thù của chợ Cần Thơ là chợ thu hút khá nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Tôi cũng nhiều tiểu thương khác khi khách tới mua hàng có giá trị cao nhưng không đủ tiền mặt để thanh toán thì chúng tôi thường hướng dẫn họ tìm đến một trong những máy ATM chấp nhận thẻ gần nhất để rút tiền mặt. Nhờ vậy, bán được nhiều hàng cho khách hơn.

Vì đa số thẻ thanh toán quốc tế do các ngân hàng trong nước phát hành đều phải liên kết với các thương hiệu thẻ lớn trên thế giới, để được chấp nhận tại nhiều nước trên thế giới, nên chất lượng thẻ khá cao. Riêng các loại thẻ thanh toán quốc tế do ACB phát hành đều có “con chip” để tăng độ bảo mật. Chị Phùng Nhật Tâm ở khu vực Cồn Khương, TP Cần Thơ, nhận xét: Tôi dùng thẻ của ACB để thanh toán cho việc mua sắm và sử dụng dịch vụ hay rút tiền mặt mỗi khi đi du dịch nước ngoài khá thuận lợi, chưa bao giờ bị “nuốt thẻ”.

* Tiếp tục phát triển mạnh

Các loại thẻ thanh toán quốc tế đang được nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố được phát hành khá mạnh do nhu cầu tăng cao. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2011, số lượng thẻ thanh toán quốc tế do ACB, chi nhánh Cần Thơ phát hành tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn Techcombank Cần Thơ, 6 tháng gần đây có số lượng thẻ phát hành tăng cao, đặc biệt là 3 tháng cuối năm 2010 tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tục làm “thẻ ghi nợ” khá đơn giảm, chỉ cần giấy CMND hoặc hộ chiếu là có thể mở thẻ. Ngược lại, “thẻ tín dụng” được phát hành khá phức tạp, để được ngân hàng chấp nhận cấp thẻ, người mở thẻ phải đảm bảo hoặc cho ngân hàng biết về khả năng thanh toán của mình, có 2 cách là tín chấp và thế chấp. Tuy nhiên, đối với “thẻ ghi nợ”, chủ thẻ chỉ có thể sử dụng trong phạm vi số tiền đã nộp vào tài khoản. Còn “thẻ tín dụng”, ngoài chức năng của “thẻ ghi nợ”, chủ thẻ được ngân hàng cấp cho một hạn mức tín dụng để chi tiêu thêm khi tài khoản đã chi hết tiền, như vay tiền của ngân hàng để sử dụng trước rồi trả lại sau. Nhưng đối với “thẻ tín dụng” khi ra nước ngoài được chấp nhận thanh toán rộng rãi, còn “thẻ ghi nợ” ít được chấp nhận. Chủ thẻ phải trả phí thường niên quản lý thẻ, dao động từ 100.000 - 400.000/năm đồng tùy loại thẻ.

Chị Liễu Như Quỳnh, chuyên viên thẻ của Techcombank Cần Thơ, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, đối với “thẻ tín dụng” chỉ cần điều kiện là cán bộ - công nhân viên Nhà nước có ít nhất 2 năm công tác là có thể mở thẻ. Hiện nay, ngân hàng đang xem xét tăng hạn mức tín dụng, đồng thời mở rộng đối tượng mở thẻ là doanh nghiệp, tổ chức...”.

Tuy nhiên, khách hàng dùng “thẻ tín dụng” phải trả mức phí chuyển đổi ngoại tệ của các ngân hàng đang áp dụng khá cao, từ 2,5-4% trên tổng số tiền thanh toán. Nếu rút tiền mặt ở nước ngoài phải chịu thêm phí rút tiền, từ 3 - 7,5%, tùy ngân hàng. Nếu quá hạn thanh toán - thường là sau 45 ngày - thì phải trả thêm lãi vay, lãi suất tùy theo qui định của ngân hàng. Còn đối với “thẻ ghi nợ”, thì khách hàng chỉ phải chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ.

Chị Liễu Như Quỳnh cho biết thêm: “Người sử dụng thẻ hạn chế được nhiều rủi ro, được hưởng thêm những tiện ích gia tăng do nhà cung cấp mang lại (được bảo hiểm); đối với thẻ tín dụng khách hàng trả đúng hạn xem như vay tiền ngân hàng mà không phải trả lãi... Tất cả những tiện ích của thẻ mang lại cho người sử dụng so với mức chênh lệch để đổi ngoại tệ bằng tiền mặt vẫn rẻ hơn, ít phức tạp hơn”.

Còn chị Lê Thị Tố Như - Trưởng phòng Giao dịch và Ngân quỹ ACB, chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Người dân nên tập thói quen thanh toán bằng thẻ, tăng cường thanh toán bằng thẻ tại các điểm mua sắm, dịch vụ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực phát triển những điểm chấp nhận thẻ. Như vậy, sẽ góp phần phát triển hệ thống thanh toán thẻ, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ thẻ trong thời gian tới”.

Việc phát triển dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế của các ngân hàng không chỉ tăng lợi nhuận trong điều kiện siết chặt tín dụng phi sản xuất, mà còn đem lại nhiều tiện ích cho người dân có nhu cầu ngoại tệ để chi tiêu ở nước ngoài, góp phần phát triển hình thức thanh toán văn minh, nhanh chóng hội nhập với hệ thống thanh toán tiền tệ hiện đại trên thế giới.

Bài, ảnh: KIM NGỌC

Chia sẻ bài viết