22/11/2015 - 16:09

Thủy sản nước ngọt đang ở đâu?

Sóc Trăng xác định, thủy sản (khai thác, nuôi trồng, dịch vụ) là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng quanh đi quẩn lại đến nay chỉ mới có con tôm nước lợ khẳng định được vị thế này, còn những đối tượng nuôi khác của tỉnh hầu như chưa thể phát triển được.

Với đặc thù 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn, lẽ ra sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng sẽ rất phong phú, đa dạng. Nhưng thực tế lại không diễn ra đúng như những gì thiên nhiên đã ban tặng. Vì sao với tiềm năng đa dạng và rộng lớn như thế, nhưng chỉ có mỗi một đối tượng nuôi phát triển được là một vấn đề đáng để suy ngẫm trong quá trình tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản của tỉnh.

Vùng ngọt vốn được đánh giá là rất tiềm năng cho nghề nuôi thủy sản theo nhiều hình thức, như: lồng bè, ao mương, vèo lưới, nuôi trên ruộng lúa… nhưng đến nay vẫn chưa có đối tượng nuôi nào được xem là chủ lực. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do tỉnh chưa có được đối tượng nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như vùng mặn, lợ.

Khi giá cá tra đột ngột tăng vọt trong những năm 2007 – 2008, không ít ý kiến nhận định, đây sẽ là đối tượng nuôi chủ lực của vùng ngọt có thể sánh ngang với "mũi nhọn" tôm nước lợ. Nhận định trên là không sai, vì ở thời điểm trên, 1ha nuôi cá tra xuất khẩu năng suất ít nhất cũng đạt 200 tấn, còn giá bán trên 16.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn còn rất rẻ nên người nuôi lợi nhuận cao không thua gì con tôm sú. Vậy là nhà nhà, người người ở "vùng ngọt" ùn ùn đào ao nuôi cá tra, khiến diện tích toàn vùng tăng lên đến chóng mặt. Sở dĩ giá cá tra năm 2007 – 2008 cao chót vót là do nhiều nước giảm tối đa việc khai thác cá Minh Thái (Alaska pollack - người viết) để duy trì sản lượng tự nhiên, khiến nguồn cung giảm mạnh đột ngột, buộc người tiêu dùng tìm nguồn thay thế khác. Khi đó, con cá tra của Việt Nam vừa có giá rẻ, thơm ngon, đặc biệt là lạ, nên được tiêu thụ mạnh, đẩy giá lên cao. Sau thời gian giảm khai thác, sản lượng cá Minh Thái tự nhiên phục hồi, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ quay lại với sản phẩm truyền thống này, vì dẫu sao, đây vẫn là sản phẩm tự nhiên từ biển hợp khẩu vị và giá rẻ không thua gì cá tra.

Nghề nuôi cá tra ở Sóc Trăng nhiều năm nay không thể phát triển và diện tích giảm dần qua từng năm. 

Những năm gần đây, sản lượng cá Minh Thái liên tiếp trúng mùa, nên giá cá tra hầu như không thể tăng lên trở lại. Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cá Minh Thái mới chính là đối thủ lớn của con cá tra Việt Nam. Do đó, muốn phát triển nghề nuôi cá tra ổn định và hiệu quả, các nhà điều hành phải đánh giá được tình hình cung – cầu cá thịt trắng hằng năm trên thế giới. Ông Hồ Quốc Lực phân tích: "Con cá tra đúng là quà tặng thiên nhiên ban cho vùng ĐBSCL. Nhưng vấn đề không còn là chủ quan của mình vì dù thịt cá tra có ngon, có lạ thì người tiêu dùng các nước vẫn chọn cá Minh Thái trước tiên, còn con cá tra chỉ là sản phẩm thay thế".

Cá Minh Thái từ vùng Alaska, sản lượng khai thác bây giờ so với lúc khống chế sản lượng chênh lệch 1 triệu tấn, là sản phẩm khai thác tự nhiên từ biển, có vị ngon, phù hợp thói quen ẩm thực, giá rẻ… nên người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa là điều dễ hiểu. Còn nếu nói, cá tra là lợi thế do đây là sản phẩm độc quyền của Việt Nam, thì càng cần phải xem lại. Bởi như ông Hồ Quốc Lực cho biết: "Họ nhà cá tra có đến 20 chi. Trong đó, Việt Nam đang có một chi, Thái Lan cũng có nhưng không khai thác, còn Trung Quốc, Indonesia cũng có loại cùng họ và mỗi nơi sản lượng cũng khoảng 300.000 tấn mỗi năm. Vì vậy, không thể nói cá tra là sản phẩm độc quyền chỉ có ở Việt Nam được".

Như vậy, vì sao các nước trên không đẩy mạnh khai thác hay nuôi trồng các chi cá tra họ đang có để xuất khẩu vào thị trường các nước? Câu trả lời chỉ có thể là giá trị và khả năng cạnh tranh với một số sản phẩm cá thịt trắng tự nhiên không cao. Đến đây có thể thấy, muốn phát triển nghề nuôi cá tra xuất khẩu không thể cứ mạnh ai nấy làm, muốn nuôi bao nhiêu cũng được, mà tất cả đều phải được cân nhắc dựa trên cung – cầu cá thịt trắng trên thị trường thế giới.

Sau thất bại của nghề nuôi cá tra, một đối tượng nuôi khác cũng được nhắm tới để lấp vào những ao cá tra đã bỏ trống là con cá rô phi dòng gift (toàn đực). Sản phẩm phi lê cá rô phi đến nay vẫn có một thị trường rất lớn, nhưng việc phát triển đối tượng nuôi này vẫn chưa thể thực hiện được, do một số nước, giống cá rô phi dòng gift của họ chỉ nuôi 4 - 4,5 tháng là lấy phi lê, còn ở ta lại nuôi tới 6 tháng, nên giá thành cao, cạnh tranh không lại. Nguyên nhân chính vẫn là nguồn giống ở ta chậm hơn họ gần cả chục thế hệ. Tương tự như thế, con tôm càng xanh cũng là một đối tượng nuôi có giá trị cao cho vùng ngọt và có thị trường tốt, nhưng hạn chế lớn nhất vẫn là ở con giống. Trong khi nhiều nước đã lai tạo thành công giống tôm càng xanh toàn đực với giá rẻ, thì ở ta, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực vẫn là điều mà người nuôi luôn cân nhắc, bởi giá giống còn ở mức cao, một số không được thuần chủng.

Như vậy có thể thấy, để phát triển nghề nuôi thủy sản cho vùng ngọt, vẫn còn nhiều chuyện để làm, mà trước hết là vấn đề con giống, vốn được xem là điểm yếu nhất của nghề nuôi thủy sản hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt của Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung vẫn chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết