16/07/2017 - 14:09

Nâng cao đạo đức công vụ

Thường xuyên giáo dục- giám sát chặt chẽ- xử lý nghiêm minh

Trong đề dẫn tại Hội nghị chuyên đề giải pháp giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) góp phần phòng chống tham nhũng (PCTN), đồng chí Đinh Công Út, Phó trưởng Ban Nội chính Thảnh ủy cho rằng: Thời gian qua, đa phần đội ngũ CBCC của TP Cần Thơ luôn thể hiện lương tâm, trách nhiệm trong thực thi công vụ góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận CBCC chưa tự rèn luyện bản thân, còn có thái độ quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ…
Trước thực trạng đó, các đơn vị, địa phương ở TP Cần Thơ đã đề xuất nhiều giải pháp trong giáo dục đạo đức công vụ cho CBCC, góp phần PCTN.

Vẫn còn hạn chế

Theo Ban Nội chính Thành ủy, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 19 vụ án tham nhũng với 35 bị cáo là CBCC bị xử lý về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Những sai phạm xảy ra ở các ngành, lĩnh vực: tư pháp, công an, thi hành án, giao thông, tòa án, giáo dục… gây bức xúc dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Một trong những nguyên nhân là do công tác giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCC chưa đạt hiệu quả. Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan dân chính Đảng, cho biết: Đảng ủy Khối và cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc luôn phối hợp tốt với chính quyền, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCC. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức công vụ cho CBCC vẫn chưa thường xuyên, liên tục; hình thức giáo dục chưa đa dạng. Một số CBCC còn tỏ thái độ quan liêu, cửa quyền, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ. CBCC vi phạm phẩm chất, đạo đức bị thi hành kỷ luật chưa giảm. Thậm chí có thời điểm còn tăng.

Cán bộ tiếp công dân cần được rèn luyện từ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp đến đạo đức công vụ... Trong ảnh: Cán bộ Ban Nội chính Thành ủy tiếp công dân đến khiếu nại. Ảnh: L.P

Tại Tòa án nhân dân thành phố, lãnh đạo tòa đã quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định có liên quan đến đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và PCTN, tiêu cực. Hầu hết công chức tòa án đều có tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan trong xét xử. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP Cần Thơ, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng công chức chưa nhiệt tình trong hướng dẫn, giải thích cho người dân; giờ giấc không nghiêm; thiếu chủ động, nhạy bén, đôi khi ngại khó dẫn đến trì trệ, kéo dài công việc, gây bức xúc. Cá biệt có trường hợp còn vi phạm pháp luật, bị xử lý.

Nguyên nhân trước tiên được nêu ra là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức công vụ, chưa xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm đạo đức công vụ. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể về chế độ, trách nhiệm của CBCC; một số CBCC chưa thật sự nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng tinh thần trách nhiệm…

Nâng cao đạo đức công vụ

Để nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCC, đồng chí Huỳnh Việt Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, cho biết: "Lãnh đạo Viện luôn nhắc nhở, giáo dục mỗi cán bộ, kiểm sát viên thực hiện theo lời dạy của Bác: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với từng mặt, từng lĩnh vực về trật tự nội vụ; sử dụng phương tiện, tài sản công, bố trí cán bộ… Việc làm này không chỉ để giám sát mà còn kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, nâng cao tính tự giác, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật góp phần hiệu quả trong công tác quản lý và phòng ngừa vi phạm".

Đồng chí Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đề xuất cần xây dựng và ban hành Luật Đạo đức công vụ để làm cơ sở, căn cứ áp dụng cho CBCC trong thực thi công vụ. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chấn chỉnh lại bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ, giúp CBCC thực thi công vụ tốt hơn. Còn theo đồng chí Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, khi xem xét, đề bạt, bố trí cán bộ cần làm rõ những dư luận không tốt liên quan đến CBCC, viên chức nhằm giúp đánh giá chính xác phẩm chất, đạo đức của CBCC, viên chức để có những quyết định đúng đắn. Đồng thời phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ CBCC; biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân liêm khiết; xử lý nghiêm minh những CBCC có sai phạm. Bên cạnh đó, đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp, chỉ đạo Trường Chính trị thành phố xây dựng chương trình giáo dục về đạo đức công vụ. Ban Tổ chức Thành ủy, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung cho CBCC thành phố; khi tuyển CBCC bên cạnh yếu tố chuyên môn, cần xem xét, quan tâm đến yếu tố đạo đức của người được tuyển dụng…

"Đạo đức được đề cập tại hội nghị không chỉ có đạo đức nghề nghiệp mà CBCC còn phải có đạo đức cách mạng, cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên. Mỗi cán bộ công chức bằng công việc của mình phải tìm tòi, sáng tạo, làm bằng tinh thần trách nhiệm của người cộng sản để đề xuất cơ chế thông thoáng nhất tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đưa thành phố phát triển. Đồng thời phải xây dựng quy trình làm việc, tổ chức kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở để ngăn ngừa sai phạm"- Phó Bí thư Thành ủy Phạm Gia Túc chỉ đạo.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết