07/09/2018 - 07:54

Thực tập - thêm kỹ năng nghề nghiệp 

Đối với sinh viên (SV), thực tập không chỉ là khoảng thời gian ứng dụng kiến thức được học, còn giúp tích lũy kiến thức xã hội và kỹ năng nghề nghiệp. Không dừng lại kỳ thực tập trong chương trình đào tạo, nhiều bạn trẻ chọn việc làm thêm gắn với chuyên môn để nâng cao kiến thức và cọ xát môi trường làm việc chuyên nghiệp. Qua đó, giúp SV tăng khả năng cạnh tranh trong nghề nghiệp, việc làm tương lai.

Thêm kiến thức thực tế

Đinh Thị Ái Nhân, Chuyên viên kinh doanh Công ty phần mềm Misa (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Bên cạnh kiến thức trong nhà trường, những kỹ năng tích lũy trong quá trình thực tập giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện tại”. Sau khi hoàn thành chương trình học ngành Kế toán, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Nhân xin được việc làm. Theo Ái Nhân, mỗi SV có 8 tuần thực tập, Nhân đến Tập đoàn Nam Miền Nam thực tập, với công việc hỗ trợ nhân viên kế toán xuất hóa đơn, kiểm tra và đối chiếu chứng từ hoặc liên hệ ngân hàng xử lý một số vấn đề tài chính. Nhờ kỳ thực tập này, Nhân có cơ hội làm quen với môi trường làm việc, rèn luyện kỹ năng ngành nghề theo học. Nhân kể, SV chuyên ngành kế toán, sau những ngày cặm cụi làm sổ sách lý thuyết ở trường, qua thực tập sẽ được làm việc với những giấy tờ, chứng từ, số liệu, báo cáo có thật từ đơn vị đến thực tập.

Quá trình thực tập giúp cho Lê Trung Sơn nắm vững phương pháp nghiên cứu, rèn kỹ năng...
Quá trình thực tập giúp cho Lê Trung Sơn nắm vững phương pháp nghiên cứu, rèn kỹ năng...

Lần đầu tiếp xúc với những số liệu và báo cáo thực, Nhân không tránh khỏi những sai sót nhưng luôn được các anh chị trong tập đoàn chỉ bảo tận tình. Những vấn đề Nhân không hiểu hay mắc lỗi khâu nào, các anh chị hướng dẫn làm lại chính xác. Nhân xác định: “Đây là thời gian quý báu để thực hành và học hỏi kinh nghiệm nên tôi luôn cố gắng tận dụng và làm tốt nhất”. Theo chia sẻ của Nhân, để tăng cơ hội rèn kỹ năng nghề nghiệp, bên cạnh thời gian thực tập trong chương trình đào tạo, Nhân tranh thủ làm thêm các việc gắn với chuyên môn được học, như: Hỗ trợ trường làm hồ sơ, sổ sách hoặc xin làm nhân viên quản lý một số cửa hàng buôn bán. Trước đây, Nhân làm nhân viên quản lý cửa hàng bán mỹ phẩm nên tích lũy một số kỹ năng bán hàng, quản lý thu - chi, lên kế hoạch tăng doanh thu… Những kiến thức trên giúp Nhân tự tin, vượt qua vòng phỏng vấn, sớm bắt nhịp công việc.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh, SV ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho rằng, gắn học với hành giúp SV tiến bộ hơn trong học tập và thêm trải nghiệm bổ ích. Mỗi khi có cơ hội, Ánh tham gia hỗ trợ các đoàn học sinh, SV Hàn Quốc, Philippines, Mỹ đến thành phố giao lưu văn hóa hoặc thực hiện các chương trình tình nguyện xã hội. Những hoạt động này giúp Ánh rèn kỹ năng nghe - nói tiếng Anh, đồng thời, hiểu thêm văn hóa, phong trào thanh niên nước bạn.

Cơ hội rèn kỹ năng

Ngoài kiến thức chuyên môn, Lê Trung Sơn, SV ngành Công nghệ sinh học tiên tiến (Trường Đại học Cần Thơ), chia sẻ kỳ thực tập đối với SV thật sự là bài học bổ ích để rèn kỹ năng, từ lập kế hoạch, viết báo cáo, đến phương pháp tự nghiên cứu, thử thách khả năng tự lập. Sơn vừa kết thúc 2 tháng thực tập tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Quá trình thực tập, Sơn được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và chăm sóc cây Địa lan cũng như biết giá trị kinh tế các giống Địa lan trong và ngoài nước. Ngoài ra, Sơn còn tham quan khu nông trại hữu cơ, trồng rau thủy canh; cách nhân một số giống hoa, như: cẩm chướng, đồng tiền và các loại dâu Hàn Quốc, Mỹ Đá, New Zealand; quy trình sản xuất rượu vang hoặc trà túi lọc Artiso. Bên cạnh đó, Sơn thực hiện đề tài nghiên cứu khảo sát thuốc bảo vệ thực vật trên hoa hồng tại nơi thực tập. Theo đó, Sơn phụ trách thu nhập số liệu về bệnh đốm đen trên lá hoa hồng, các loại thiên địch trên cây… Quá trình thực tập cũng là bài học để Sơn rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp tục học cao học hoặc tự tin làm việc tại một số cơ sở nghiên cứu trong tương lai. Khoảng thời gian thực tập, Sơn biết cách viết báo cáo, thực hiện phương pháp khảo sát khoa học; khả năng tổng hợp và kỹ năng lập luận, phân tích chính xác, tăng tính thuyết phục hơn vấn đề mình diễn đạt. Theo Sơn, thực tế đối với các công việc không liên quan nhiều đến học thuật, kỹ năng nghiên cứu vẫn luôn hữu ích. Bởi với bất kỳ loại hình công việc nào, các bạn cần có kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin nhanh gọn, chính xác.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, quá trình thực tập tuy không dài nhưng cũng giúp xây dựng quan hệ, học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, đi đôi khả năng tự lập trong học tập và nghiên cứu. Điều quan trọng là những vướng mắc giữa lý thuyết và thực hành giúp bạn trẻ có cái nhìn toàn diện về nội dung bài học, biết cách vận dụng kiến thức học từ nhà trường vào thực tiễn cuộc sống.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thực tập