11/12/2014 - 20:35

Thúc đẩy xuất khẩu lao động vùng ĐBSCL

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách lao động, việc làm và dạy nghề các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức đầu tháng 12, ý kiến của nhiều đại biểu tập trung phân tích thực trạng công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi là xuất khẩu lao động - XKLĐ) của địa phương. Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy công tác này thời gian tới.

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm qua, hoạt động XKLĐ tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể. Một số tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người đi XKLĐ. Dù vậy, công tác XKLĐ khu vực ĐBSCL vẫn hạn chế so với các khu vực khác.

Giai đoạn 2011-2014, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 8.000 người đi XKLĐ (khoảng 2.000 người/năm), so với số trung bình 88.500 người đi XKLĐ mỗi năm của cả nước, số người XKLĐ toàn vùng rất khiêm tốn, chiếm khoảng 2,8%. Mỗi năm, số người đi XKLĐ chưa đạt 1% số người được giải quyết việc làm toàn vùng, trong khi tỷ lệ chung cả nước gần 6%. So với giai đoạn trước đây, số người đi XKLĐ của vùng giảm rõ rệt, từ 5.200 người/năm (giai đoạn 2006-2008) xuống mức trung bình 2.000 người/năm (giai đoạn 2011-2014). Đạt kết quả tốt nhất trong công tác XKLĐ như Vĩnh Long cũng chỉ đưa đi được 1.821 người, Bến Tre 1.581 người, Sóc Trăng 935 người...

TP Cần Thơ tăng cường đưa thông tin thị trường lao động ngoài nước về các xã ngoại thành. 

Báo cáo của các địa phương trong vùng cho thấy, giai đoạn qua, số người đi XKLĐ tập trung các thị trường như: Hàn Quốc (chương trình EPS), Nhật Bản (chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập, tu nghiệp tại Nhật Bản và chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH với tổ chức IM Japan) chiếm tỷ lệ rất lớn (một số tỉnh chiếm khoảng 80%-90%), do điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao. Tuy nhiên, cuối năm 2012, thị trường Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam nên người đi XKLĐ chủ yếu là sang Đài Loan, Malaysia. Riêng tại Malaysia, năm 2006, số người đi làm việc nước này đạt cao nhất sau đó giảm dần do thu nhập không cao cùng với các thông tin thiếu tích cực giai đoạn trước, ảnh hưởng tâm lý lao động và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lao động một số địa phương trong vùng có xu hướng quay trở lại thị trường này. Thị trường Đài Loan có thu nhập cao hơn so với thị trường Malaysia nhưng cũng do vấn đề chi phí nên chưa thu hút nhiều lao động tham gia (trung bình mỗi năm khoảng 35-40 lao động/tỉnh). 2 năm gần đây, số lao động các địa phương lựa chọn đi làm việc ở Đài Loan bắt đầu tăng nhẹ.

Mặc dù điều kiện thuận lợi và nguồn cung lao động dồi dào, nhưng lượng XKLĐ đạt rất thấp do nhiều nguyên nhân tác động. Đó là một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích XKLĐ; chưa được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như chưa quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với lao động. Nhiều lao động không đủ khả năng trang trải chi phí đi XKLĐ trong khi các tỉnh chưa có cơ chế tạo thuận lợi cho người dân vay tín dụng; còn xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân lừa đảo khiến người dân bị thiệt hại, gây mất niềm tin đối với hoạt động XKLĐ. Về phía người lao động, phần đông chưa hiểu hết lợi ích XKLĐ là góp phần tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống, thu nhập, giảm nghèo. Đa số lao động hạn chế tay nghề, ngoại ngữ... Bên cạnh đó, một bộ phận người đi XKLĐ chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, tự động bỏ việc hoặc khi hết hạn hợp đồng ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp, ảnh hưởng việc tuyển chọn lao động toàn vùng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương cần nghiên cứu giải quyết rốt ráo các vướng mắc, tồn đọng thời gian qua, tập trung phát triển thị trường XKLĐ truyền thống (nhất là thị trường Malaysia, hiện nay có nhu cầu tiếp nhận lao động cao, việc làm và thu nhập ổn định, rất phù hợp với điều kiện lao động trong khu vực); mở rộng thị trường uy tín, ổn định; nhân rộng điển hình tập thể, cá nhân đi XKLĐ hiệu quả “người thật, việc thật” ở các địa phương để thuyết phục người lao động; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người đi XKLĐ. Đồng thời, tăng cường hình thức vận động truyền miệng, tác động trực tiếp đối với từng người, nhóm người, song song với phát huy thế mạnh, trách nhiệm của cán bộ ngành, đoàn thể thông tin về các chính sách, nhu cầu tuyển dụng lao động các nước. Qua đó, nâng dần chất lượng và hiệu quả công tác, để thu hút nhiều người dân trong vùng đăng ký đi XKLĐ.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết