23/10/2019 - 08:39

Thúc đẩy phát triển giao thông nông thôn 

Sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn vùng ĐBSCL có chuyển biến rõ nét. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương cho người dân. Tổng số vốn đầu tư cho GTNT trong khu vực gần 9 năm qua khoảng 48.735 tỉ đồng. Theo đó, đã xây dựng mới 13.562km (trong đó đường huyện 1.151km; đường xã 10.269km; đường thôn xóm, nội đồng 2.142km); nâng cấp, cải tạo 7.790km (trong đó đường huyện 1.529km; đường xã 4.101km; đường thôn xóm, nội đồng 2.160km); xây dựng mới 5.369 cây cầu và nhiều công trình cống.

Xây dựng giao thông nông thôn ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng tuy có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối. Toàn quốc hiện có 13 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã thì khu vực ĐBSCL có tới 11 xã (trong đó Hậu Giang 3 xã, Sóc Trăng 1 xã, Bạc Liêu 6 xã và Cà Mau 1 xã). Khu vực ĐBSCL có 3.825 xóm, ấp thì 777 xóm, ấp chưa có đường ô tô tiếp cận; chỉ có 32/92 huyện đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 693/1.061 xã đạt tiêu chí về giao thông. Tỷ lệ cứng hóa đường GTNT khu vực ĐBSCL là thấp nhất trong cả nước.

Lý giải về hạn chế trong phát triển GTNT vùng ĐBSCL, các chuyên gia gia cho rằng: Do điều kiện địa lý, khu vực ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng đặc biệt là hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn, công trình đòi hỏi kiên cố, chịu được tác động của môi trường dẫn đến suất đầu tư cao hơn so với các vùng khác. Do vậy, việc nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng như áp dụng các tiêu chí riêng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của ĐBSCL là rất cần thiết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Lramp) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong đó, có hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu về Xây dựng hướng dẫn giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Song, trước khi có giải pháp tối ưu, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích các địa phương vùng ĐBSCL sử dụng các giải pháp mang tính truyền thống. Cụ thể, quy hoạch giao thông phải phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác, đặc biệt là quy hoạch thoát lũ. Về kinh phí đầu tư cho GTNT cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài đầu tư xây dựng mới cần phải quan tâm dành kinh phí cho bảo trì. Đối với vùng ĐBSCL cần kết hợp chặt chẽ các loại hình vận tải thủy, bộ để giảm tải cho hệ thống đường bộ. Và việc xây dựng cầu đường bộ cũng phải đảm bảo thông thuyền không ảnh hưởng tới giao thông thủy. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà thầu nhỏ, tư nhân tham gia xây dựng, quản lý, bảo trì GTNT và cung cấp các dịch vụ khu vực nông thôn. Ưu tiên sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, chú trọng sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng phát triển GTNT. Đặc biệt cần nghiên cứu chống xói lở, sụt trượt để đảm bảo an toàn khi phải sống chung với lũ…

Bài, ảnh: L. MẪN

Chia sẻ bài viết